Quảng Ngãi: 2 phương án tăng trưởng kinh tế trong năm 2022

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện bình thường mới (tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện tại), Quảng Ngãi phấn đấu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP từ 4 - 5%, trong điều kiện hết dịch chỉ tiêu đề ra là 5 - 6%.

Ngày 16/11, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc họp để thảo luận, thống nhất một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
 Quang cảnh cuộc họp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, năm 2022, tỉnh xác định có 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; trong đó, nhóm kinh tế có 7 chỉ tiêu, văn hóa - xã hội 9 chỉ tiêu, tài nguyên, môi trường 6 chỉ tiêu, quốc phòng- an ninh 2 chỉ tiêu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 phương án tăng trưởng kinh tế của năm 2022. Cụ thể, phương án 1: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 3 - 4%. Theo tính toán, với tốc độ tăng trưởng này, đòi hỏi ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm phải tăng trưởng khoảng 3%; sản lượng lọc dầu đạt khoảng 6,9 triệu tấn; sản lượng thép khoảng 5,3 triệu tấn; ngành dịch vụ từng bước phục hồi, tăng khoảng 3%.
Phương án 2: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 4 - 5%. Để đạt được chỉ tiêu này, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn cần duy trì tăng trưởng 3% nhưng sản lượng lọc dầu phải đạt khoảng 6,9 triệu tấn; sản lượng thép khoảng 5,5 triệu tấn; các ngành công nghiệp ngoài dầu, thép tăng khoảng 7%; ngành dịch vụ tăng khoảng 5%.
Phương án 3: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 5 - 6%. Với tốc độ tăng trưởng này, sản lượng lọc dầu, thép và các ngành công nghiệp ngoài dầu, thép không có sự chênh lệch so với phương án 2. Nhưng ở phương án này, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng trưởng khoảng 3,5%; ngành dịch vụ tăng khoảng 6% mới đảm bảo đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.
Giải trình về các phương án tăng trưởng trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các chỉ tiêu tăng trưởng được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 6%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm của tỉnh.
 Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Đặng Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhưng Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, một số chỉ tiêu không đạt được như kỳ vọng, mong muốn.
“Năm 2022, nếu không nỗ lực phấn đấu thì sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển những năm tiếp theo”, ông Minh nói.
Trên cơ sở thảo luận, góp ý của các sở, ngành và thành viên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất chọn 2 phương án tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Cụ thể, trong điều kiện bình thường mới (tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện tại), Quảng Ngãi phấn đấu chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP từ 4 - 5%; trong điều kiện hết dịch chỉ tiêu đề ra là 5 - 6%.
Tại cuộc họp này, UBND tỉnh cũng thảo luận, cho ý kiến thông qua kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 106.700 tỷ đồng, tăng trên 16.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2016 - 2020. Ở chiều ngược lại, chi cân đối ngân sách địa phương dự kiến trên 87.600 tỷ đồng.

Năm 2021, GRDP của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt trên 53.500 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 120.553 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020, đạt 94,8% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.610 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên 3.580 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 62%.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 20.900 tỷ đồng, tăng 42,4% so với năm 2020 và bằng 115,9% dự toán năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,68 tỷ USD, tăng trên 19%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, vượt gần 47% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động trên 63.800 tỷ đồng, tăng trên 5% so với năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần