Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với khai thác du lịch

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 23/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Báo Văn hóa tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, nơi phát hiện văn hóa Sa Huỳnh- một trong 3 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam được thế giới công nhận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu tại hội thảo.

Nét đặc sắc của văn hóa Quảng Ngãi là sự tiếp nối, giao thoa của 3 nền văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt với nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Cùng với đó, Quảng Ngãi còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều dân tộc anh em. Trong đó các dân tộc thiểu số (DTTS) như Cadong, Cor, H’re… đã và đang lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống, giàu bản sắc, được lưu giữ, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Quảng Ngãi là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều dân tộc anh em.
Quảng Ngãi là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều dân tộc anh em.

Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội và quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào DTTS và miền núi đang đối mặt với những thách thức lớn.

“Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn nhận, đánh giá thực trạng, đồng thời tìm ra những giải pháp khả thi nhằm kết nối bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Qua hội thảo này, Quảng Ngãi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi được bảo tồn và phát triển”- ông Hiền nói.

Tại hội thảo, các đại biểu có nhiều tham luận đánh giá tiềm năng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch; làm rõ thực trạng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung và cả nước.

Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.

Các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch.

“Những ý kiến chia sẻ, đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo là những nguồn thông tin quý giá để Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương và doanh nghiệp tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm và cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, đặc biệt là những sản phẩm du lịch văn hóa được tạo ra từ những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS”- Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ phát biểu tại hội thảo.
Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ phát biểu tại hội thảo.

Theo Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ, hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Đồng thời, qua đó tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.