Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực triển khai phòng, chống bệnh dại trên người. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ chó, mèo được tiêm ngừa dại ít nhất đạt 70%.

Bị chó cắn vào chân gây chảy máu, ông Nguyễn Văn (phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ngãi để tiêm vaccine phòng bệnh dại. Vết thương của ông Văn nông, không gần vị trí thần kinh trung ương nên chỉ cần tiêm đủ 5 mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh.

Vị trí vết cắn của ông Văn.
Vị trí vết cắn của ông Văn.

“Lúc đầu thấy chó cắn nghĩ không sao, nhưng về thấy chảy máu nên sợ quá, sát trùng rồi ngay trong ngày đi chích ngừa luôn. Mũi tiêm này là mũi thứ 4 rồi”- ông Văn cho hay.

Trong khi đó, con trai của anh Nguyễn Đức Phương (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) cũng được đưa đi tiêm phòng sau khi bị chó nuôi trong chính gia đình cắn chảy máu.

“Dù là chó nhà nhưng không yên tâm nên đưa cháu đi tiêm phòng, đồng thời theo dõi tình trạng của chó xem có gì bất thường không. Hiện tại thấy cũng ổn"- anh Phương chia sẻ.

Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn.
Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn.

Được biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm vaccine kịp thời, đến khi phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn.

"Trong y văn chưa ghi nhận trường hợp nào sống khi phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Tốt nhất sau khi bị chó mèo cắn phải đi tiêm sớm, trước 72 giờ. Hạn chót của thời gian đi tiêm là 7 ngày kể từ thời điểm cắn"- Bác sĩ Bùi Xuân Liêm - Phó Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC  Quảng Ngãi) chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Liêm, người dân nên chủ động tiêm phòng dại khi chưa bị chó cắn, chỉ cần tiêm 3 mũi ban đầu là có miễn dịch suốt đời. Nếu bị chó cắn chỉ cần tiêm lại 2 mũi, không cần tiêm huyết thanh dù bị cắn bất cứ vị trí nào, nếu có tiêm trễ cũng không đáng lo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại trên cả nước tăng đột biến với các trường hợp tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời ghi nhận 47 ổ bệnh dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố.

Tại Quảng Ngãi, năm 2023, tỷ lệ tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo chỉ đạt hơn 26%, rất thấp so với quy định. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có trên 3.700 người dân bị chó, mèo cắn đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước tình hình trên, ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động nguồn vaccine dự phòng và huyết thanh, đảm bảo phục vụ công tác tiêm chủng cho người dân. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cấp bách phòng, chống bệnh dại trên người của năm 2024.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Tân -Giám đốc CDC Quảng Ngãi.
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Tân -Giám đốc CDC Quảng Ngãi.

“Bệnh dại là một trong những vấn đề đang gây bức xúc. Trách nhiệm của CDC tham mưu tỉnh đảm bảo lượng vaccine phục vụ cho người dân, đồng thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các điểm tiêm chủng tư nhân thực hiện xã hội hóa, phục vụ cho người dân”- Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Tân -Giám đốc CDC Quảng Ngãi cho biết.

Theo cơ quan chuyên môn, hiện nguy cơ bệnh dại xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết chuẩn bị chuyển sang mùa nắng nóng, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.  Bên cạnh đó, tình trạng chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vaccine dại đạt thấp.

Tình trạng thả rông vật nuôi còn phổ biến.
Tình trạng thả rông vật nuôi còn phổ biến.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là học sinh và đồng bào vùng sâu, vùng xa về bệnh dại. Lưu ý không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định trong việc nuôi chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại; khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản năm 2024 đã được phê duyệt, đặc biệt đảm bảo tiêm vaccine phòng dại đạt tỷ lệ tối thiểu 70% trên tổng đàn chó, mèo.

Tăng cường quản lý chó, mèo; xây dựng, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại. Ưu tiên mua vaccine và tổ chức tiêm đồng loạt cho chó, mèo, không bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.