Được giá, khan hàng
Vụ tiên quế năm 2020, bà Hồ Thị Sương ( xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) phải thuê thêm nhân công để thu hoạch gần 1.000 cây quế của gia đình. Đồng thời, tận dụng thời điểm giá lên cao, những cây quế to nhất lên đến hơn 20 năm tuổi trong vườn cũng được khai thác để bán.
Theo người trồng quế, nếu như những năm trước, giá quế bán cho các mối thu mua từ 20.000-40.000 đồng/kg thì năm nay, giá quế tăng cao kỷ lục. Tuỳ sản phẩm mà sẽ có mức giá khác nhau, quế ống giá từ 45.000 – 55.000 nghìn đồng/ký, có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg; các sản phẩm phụ như cành, lá cũng được đại lý, thương lái thu mua từ 2.000 – 5.000 đồng/kg.
Người dân thu hoạch quế bán cho các thương lái. |
“Sản lượng xuất khẩu mới đầu vụ đã tăng mạnh, chúng tôi đã bán cho các đối tác khách hàng hơn 200 tấn. Họ thu mua rồi xuất đi nước ngoài. Năm nay nhu cầu lớn nên bao nhiêu chúng tôi cũng mua của bà con để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu”, bà Hiếu chia sẻ.
Từ đầu vụ đến nay, công ty này đã thu mua hơn 300 tấn quế tươi và các sản phẩm từ cây quế. Dự kiến, năm nay đơn vị này sẽ thu mua, xuất khẩu khoảng 600 tấn, tăng gần 30% so với năm ngoái; chủ yếu là quế ống để chế biến tinh dầu, hàng gia dụng và xuất khẩu.
Theo thống kê, từ trung tuần tháng hai đến nay, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đã thu mua khoảng 800 tấn quế các loại của bà con nông dân miền núi huyện Trà Bồng và 6 xã khu tây Trà Bồng (huyện Tây Trà cũ), tăng bình quân gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các doanh nghiệp, thương lái cũng đẩy mạnh thu mua quế trong dân. Theo bà Nguyễn Thị Mai – chủ đại lý thu mua quế xã Trà Sơn, năm nay thị trường ưa chuộng, giá quế cao nên có lúc khan hiếm nguồn cung. Mỗi ngày, cơ sở này thu mua trung bình từ 1,5 – 2 tấn quế các loại và bán cho thương lái các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
“Họ mua nhiều lắm nên mình về các xã vùng sâu để mua từ bà con rồi chuyển ra thị trấn bán. Từ đầu tháng 3 đến giờ mua được hơn 60 tấn quế”, bà Mai chia sẻ.
Khẳng định thương hiệu
Những năm trước đây, cây quế khá thăng trầm, nhưng từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Quế Trà Bồng - Tây Trà" và lọt top 10 thương hiệu nổi tiếng, cây quế dần khẳng định vị thế, giá bán ổn định hơn. Người dân đã mở rộng thêm diện tích trồng quế.
Theo số liệu khảo sát mới nhất, huyện Trà Bồng hiện có gần 6.000 ha trồng quế. Tổng sản lượng quế vỏ khoảng 60.000 tấn, năng suất trung bình là 9,5 tấn/ha.
Nhiều năm qua, quế là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của bà con đồng bào Cor ở nơi đây. Mỗi năm bà con có hai đợt thu hoạch quế, trong đó, từ cuối tháng hai đến tháng tư là cao điểm vụ “tiên quế”, tức vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm; từ tháng bảy đến tháng tám là “hậu quế”, tức vụ thu hoạch lần cuối trong năm.
Tất cả sản lượng thu mua tại vùng nguyên liệu được các doanh nghiệp cung ứng cho một phần thị trường trong nước chế biến tinh dầu, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ…
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, nhu cầu các sản phẩm từ hương liệu quế năm nay tăng cao nên quế được giá hơn hẳn so với mùa vụ những năm trước.
“Quế là một trong những sản phẩm chủ lực của miền núi chúng tôi. Nhu cầu tăng, được giá giúp cho bà con miền núi có doanh thu cao hơn là điều rất đáng mừng. Chúng tôi đang tập trung thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà Bồng. Hy vọng giá trị của hương quế Trà Bồng sẽ tăng cao hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND huỵện Trà Bồng khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Trà Bồng, những năm gần đây, ngoài việc xuất bán quế ra các thị trường trong và ngoài nước, ngay tại địa phương, có một số doanh nghiệp đã đầu tư chế biến các sản phẩm từ loại cây này như: tinh dầu, bột quế, nhang, đồ mỹ nghệ, gần đây nhất là các sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén từ quế… và được thị trường rất ưa chuộng.