Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Chấn chỉnh bè bơm hút cát ở vũng neo đậu Lý Sơn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bơm hút, tập kết lên bờ, dẫn đến một số lượng cát tồn đọng và bồi lắng tại khu vực đã được nạo vét ở Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn

Thời gian qua, tại khu vực vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn xuất hiện tình trạng các bè hút cát phục vụ cho việc trồng tỏi, hành của một số cá nhân, nhóm người, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án ở khu vực này.

Bè bơm hút cát ở khu vực vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.
Bè bơm hút cát ở khu vực vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn.

“Hoạt động của bè bơm cát làm bồi lắng, gây ảnh hưởng đến việc nạo vét công trình vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, giai đoạn 2”, đại diện đơn vị thi công cho biết.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi lấy cát từ khu vực biển ở ngoài rìa của đảo Lý Sơn, đưa lên bè và chở vào khu vực bờ phía tây của vũng neo đậu (hiện đang được thi công nạo vét), cát được đổ lại xuống để dễ dàng hơn trong việc bơm hút, tập kết lên bờ, dẫn đến một số lượng cát tồn đọng và bồi lắng lại ở lòng vũng neo đậu.

"Núi cát" sau khi được bơm, tập kết lên bờ.
"Núi cát" sau khi được bơm, tập kết lên bờ.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 10 nhóm và cá nhân ở địa phương tham gia làm bè lấy cát. Trong khi phải tốn nhiều công sức, chi phí và thời gian để xử lý tình trạng bồi lắng ở khu vực vũng neo đậu, thì hoạt động theo phương thức trên của các bè lấy cát đã làm cho kết quả nạo vét có nguy cơ suy giảm đáng kể và ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Tình trạng các bè bơm hút cát hoạt động tại vũng neo đậu làm xuất hiện nguy cơ  bồi lắng cát ở khu vực đã được nạo vét.
Tình trạng các bè bơm hút cát hoạt động tại vũng neo đậu làm xuất hiện nguy cơ  bồi lắng cát ở khu vực đã được nạo vét.

Ngay sau khi nghe phản ánh trên và kiểm tra thực tế hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho chính quyền Lý Sơn và Ban quản lý Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn khẩn cấp chấn chỉnh ngay tình trạng này, tạm thời cử lực lượng chốt ngay tại cửa của vũng neo đậu, không cho số bè chở cát vào khu vực đang thi công để đổ cát xuống bơm, hút lên bờ tập kết.

Trong thời gian tới, huyện Lý Sơn sẽ họp với các cá nhân và nhóm người này để yêu cầu, nếu không thay đổi việc đưa cát từ bè lên bờ bằng hình thức khác (như dùng băng chuyền), sẽ cấm không cho đưa bè chở cát vào vũng neo đậu.

Cũng liên quan đến vấn đề khai thác cát để trồng hành, tỏi, chính quyền huyện Lý Sơn cho biết, thời gian qua do nhiều nguyên nhân, công tác quản lý của các cấp ngành chức năng địa phương đối với việc khai thác cát của một số nhóm người, cá nhân trên địa bàn còn lơi lỏng, gây nhiều ý kiến không hay trong dư luận.

Theo người dân Lý Sơn, để hành, tỏi cho năng suất cao, có hương vị thơm ngon, mỗi năm một lần, nông dân phải cào hết lớp cát cũ năm trước, sau đó phủ lên bề mặt một lớp cát mới.

Cát được sử dụng trong trồng hành, tỏi ở Lý Sơn.
Cát được sử dụng trong trồng hành, tỏi ở Lý Sơn.

Những năm trước đó, cát biển được người dân khai thác ở ven bờ, hoặc đào sâu phía dưới lớp đất mặt ruộng để lấy. Nhưng sau một thời gian dài khai thác, hiện số cát biển ở những vị trí và khu vực này đã cạn kiệt. Vì vậy, để có cát thay thế, người dân phải làm bè nổi rồi đặt máy hút, đưa ra khu vực biển nằm cách bờ nhiều chục mét để hút lên, rồi đưa vào để sử dụng.

Theo người dân Lý Sơn, bình quân số lượng cát mới cần sử dụng để thay lớp đất cũ khoảng 3m3/sào (500m2/sào). Với diện tích đất trồng tỏi, hành hàng năm của Lý Sơn khoảng 300 ha, lượng cát cần sử dụng là không hề nhỏ.

Chính quyền huyện Lý Sơn đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nếu có nhu cầu khai thác cát để phục vụ trồng tỏi, phải làm hồ sơ trình cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền tỉnh phê duyệt, cấp phép. Các trường hợp khai thác trái phép sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.