Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: “Chạy đua” với thời gian để ứng phó siêu bão Noru

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chủ động ứng phó bão số 4 (bão Noru), các địa phương, đơn vị ở Quảng Ngãi đang “chạy đua” với thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ theo các mốc thời gian đã được xác định.

Làng biển hối hả “chạy bão”

Chiều 25/9, không khí ở làng chài Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) rất khẩn trương. Trên bãi biển, nhiều gia đình hối hả xúc cát vào bao tải để gia cố mái nhà, tránh bị gió tốc. 

Gia cố mái nhà bằng bao cát trước khi bão đổ bộ.
Gia cố mái nhà bằng bao cát trước khi bão đổ bộ.

Trong khi đó, các ngư dân tất bật khiêng thúng, lưới lên bờ, lèn cột cẩn thận. “Bão chuẩn bị vào, phải lo khiêng thúng, lưới đến chỗ an toàn, bảo vệ tài sản”- Nguyễn Thanh Phong (thôn Phước Thiện) cho hay.

Người dân đưa thúng lên bờ để tránh bão.
Người dân đưa thúng lên bờ để tránh bão.

Chợ cá ở thôn Phước Thiện cũng đang tấp nập bởi các ghe, thuyền “chạy bão” liên tục tấp vào bờ để bán hải sản. Từng sọt cá tươi gấp rút chuyển lên bờ, xếp lên xe để mang đi tiêu thụ.

“Đi đánh bắt xa bờ nhưng nghe có bão nên vội đưa tàu về. Đợt này mới đánh được khoảng 1 tấn cá nhồng thôi. Giá hiện tại là 70.000- 90.000 đồng/kg, tùy lớn nhỏ”- ngư dân Trần Văn Bình chia sẻ.

Cá tươi được vận chuyển lên bờ để mang đi tiêu thụ.
Cá tươi được vận chuyển lên bờ để mang đi tiêu thụ.

“Bão vào nên ngư dân tranh thủ tấp vào bán rồi đi gửi ghe cho đảm bảo an toàn. Trời yên biển lặng, cá nhiều thì họ ra các cảng lớn để bán, bây giờ lo có bao nhiêu bán bấy nhiêu rồi lo chạy bão”- ông Phạm Thanh Bình – một người thu mua cá cho biết.

Bình Hải là xã ven biển, thường xảy ra thiệt hại nặng nề khi có bão lũ xảy ra, nhất là ở các thôn Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Thanh Thủy. Do đó, khi nghe thông tin về siêu bão Noru, người dân ở đây chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Đáng chú ý, trên địa bàn các thôn này có dự án kè chống sạt lở đang triển khai. Hiện tại, các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn phần mặt đường, dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 10/2022 để tiến tới nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

“Các điểm dừng kỹ thuật đã đảm bảo, trong chiều nay sẽ tiến hành di dời hết các phương tiện, máy móc đến nơi an toàn”- đại diện đơn vị thi công thông tin.

Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thanh Thủy, Phước Thiện đã cơ bản hoàn thành.
Kè chống sạt lở bờ biển thôn Thanh Thủy, Phước Thiện đã cơ bản hoàn thành.

Ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Đến thời điểm chiều 25/9, hầu hết tàu thuyền của xã đều đã vào bờ, tìm nơi trú, tránh. Hiện chỉ còn 2 chiếc đang về và gặp sự cố là chưa vào bờ, dự kiến chiều nay cũng sẽ tìm được vị trí an toàn để neo đậu”.

Theo ông Thính, ngày mai (26/9), xã sẽ bắt đầu vận động nhân dân di dời, phấn đấu trưa 27/9 sẽ di chuyển ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo chỉ đạo.

Nhận định bão số 4 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, nên ngay trong ngày hôm nay (25/9), lãnh đạo huyện Bình Sơn đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các xã, thị trấn triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời đẩy mạnh vận động, tuyên truyền cho người dân tiếp cận thông tin, không chủ quan với bão số 4.

“Huyện chỉ đạo các địa phương nắm chắc các khu vực có nguy cơ bị ngập để sơ tán dân. Dự kiến, Bình Sơn sẽ di dời, sơ tán 11.522 hộ dân với 38.445 nhân khẩu ở các vùng nguy cơ đến nơi an toàn”- ông Ngô Văn Dụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay.

Quảng Ngãi dự kiến di dời hơn 84.000 dân

Theo ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ động ứng phó với bão số 4, tỉnh đã đưa ra các mốc thời gian cần thực hiện khẩn cấp, cụ thể: Từ 12 giờ ngày 26/9 cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại); trước 10 giờ ngày 26/9 hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền; trước 8 giờ ngày 27/9 hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú; trước 18 giờ ngày 27/9 hoàn thành việc di dời, sơ tán dân (riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9); trước 9 giờ ngày 27/9 hoàn thành việc chặt, tỉa cành cây có nguy cơ ngã đổ. 

Từ 12 giờ ngày 26/9, Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động.
Từ 12 giờ ngày 26/9, Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động.

Công ty Điện lực Quảng Ngãi, Công ty truyền tải điện Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống lưới điện, hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9.

Để tránh thiệt hại về người do bão gây ra, Quảng Ngãi dự kiến sẽ di dời, sơ tán tổng cộng 24.571 hộ với 84.426 khẩu. Trong đó, xen ghép là 8.971 hộ với 30.820 khẩu; tập trung là 15.600 hộ với 53.606 khẩu.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ ngày 25/9, trên địa bàn tỉnh có 657 tàu với 6.207 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.

 

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Cụ thể, vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ 232 tàu với 1.230 lao động; vùng biển Bắc biển Đông, Hoàng Sa 121 tàu với 947 lao động; vùng biển giữa biển Đông, Trường Sa, nhà giàn ĐKI 205 tàu với 3.249 lao động; vùng biển Nam biển Đông 76 tàu với 644 lao động; vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 23 tàu với 37 lao động.

Đối với tàu cá đã nhận được hướng dẫn trước đó và chủ động tìm nơi neo trú hiện đã có 889 chiếc đã neo trú an toàn tại các cảng biển, vũng neo đậu nội tỉnh. Riêng tại huyện đảo Lý Sơn, hiện có 51 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân đã được đưa vào cảng neo đậu tàu thuyền để tránh bị hư hỏng, thiệt hại.