Quảng Ngãi: Chợ đêm vẫn còn chưa “sáng”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc chợ đêm Lý Sơn bị “khai tử” khi chưa đầy một năm đi vào khai thác và sắp tới là đóng cửa chợ đêm Sông Trà sau gần một thập kỷ hoạt động đã cho thấy mô hình chợ đêm tại Quảng Ngãi vẫn còn đang loay hoay, chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Chợ “chết yểu”
Còn nhớ, vào tháng 7/2019, chợ đêm Lý Sơn đã phải tạm dừng hoạt động vì hội đủ “3 không”: Không hàng hóa, không người bán và không người mua.
 Chợ đêm Lý Sơn dừng hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn vì vị trí không phù hợp.
Chợ đêm Lý Sơn được xây dựng tại trung tâm huyện Lý Sơn trên diện tích gần 1.000m2, kéo dài khoảng 500m, với gần 40 gian hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện đảo, đồ lưu niệm và ẩm thực… Tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng (trong đó, đóng góp của các hộ kinh doanh là gần 1,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư hạ tầng của địa phương).
Đưa vào hoạt động từ tháng 7/2018, chợ đêm Lý Sơn được xem như một sản phẩm du lịch mới trên địa bàn và kỳ vọng sẽ tạo không gian du lịch cho người dân địa phương và du khách, giới thiệu, quảng bá các đặc sản, thương hiệu du lịch biển đảo Lý Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng hoạt động, chợ đêm đã lộ ra những hạn chế và rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống”.
"Chợ từ lúc xây xong thấy thưa người lắm, thỉnh thoảng mới có người đưa ít hàng vào bán, sau đó thấy nghỉ luôn", anh Phạm Chí Cường (thôn Đông An Vĩnh) chia sẻ.
Trước thực trạng chợ đêm hoạt động không hiệu quả, chính quyền Lý Sơn đã tiến hành vận động các hộ tiểu thương tháo dỡ, di dời các gian hàng để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, UBND huyện Lý Sơn cũng có văn bản trình Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất tạm thời không hình thành chợ đêm. Khi cảng Bến Đình đi vào hoạt động và dự án Vườn hoa kiến thiết đô thị Lý Sơn, Quảng trường trung tâm huyện hoàn thành, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát và chọn vị trí phù hợp. 
Chợ bị “khai tử”
Không “chết yểu” như chợ đêm Lý Sơn, chợ đêm Sông Trà lại có số phận khác. Chợ đêm sông Trà Khúc được xây dựng tại Khu đê bao Sông Trà, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi cách đây gần 10 năm, có 213 gian hàng (89 hộ kinh doanh), gồm 70 gian hàng thương mại, 143 gian hàng ẩm thực (chủ yếu là quán nhậu).
 Các hàng quán tại chợ đêm Sông Trà.
Ban đầu, Công ty CP Rồng Việt được phép đầu tư, kinh doanh, khai thác chợ đêm nhưng không hiệu quả. Năm 2014, Công ty Triều Phát được ký hợp đồng khai thác chợ không thực hiện theo phương án đã duyệt, buông lỏng quản lý dẫn đến một số hộ xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, làm bậc tam cấp để lên xuống đê, vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường, hát karaoke quá giờ quy định...
Đến năm 2019, Công ty Triều Phát nợ thuế 194 triệu đồng, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp. UBND TP Quảng Ngãi giao phường Lê Hồng Phong chấm dứt hợp đồng với công ty và tự quản lý chợ.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ chậm nhất đến trước ngày 30/4 phải chấm dứt toàn bộ hoạt động của chợ đêm Sông Trà, trả lại hiện trạng ban đầu của khu vực này.
Vẫn còn loay hoay
Việc 2 chợ đêm được chính quyền tổ chức lần lượt đóng cửa vì những nguyên nhân khác nhau khiến dư luận cho rằng có sự “lủng củng” từ việc quy hoạch, chọn vị trí cho đến quản lý, điều hành.
 Cổng chào chợ đêm Lý Sơn bị tháo dỡ.
Đối với trường hợp chợ đêm Lý Sơn, chính quyền thừa nhận, nguyên nhân chính khiến chợ đêm vừa hình thành đã “chết yểu” là do được đầu tư xây dựng ở vị trí chưa phù hợp (gần nghĩa địa, ảnh hưởng mùi thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trồng hành, tỏi xung quanh khu vực, và ảnh hưởng mưa gió của mùa đông).
Đáng nói ở đây, chợ đêm Lý Sơn mặc dù được quy hoạch trên tuyến đường gần trung tâm huyện và có sự đầu tư bài bản, với hơn 30 quầy hàng cùng hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhưng hoạt động không hiệu quả phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, chợ đêm tự phát nằm ở khu vực ngã ba gần cầu cảng Lý Sơn thì lại nhộn nhịp, đông đúc du khách.
Điều này cho thấy, việc quy hoạch chợ đêm ở vị trí không phù hợp là bài học mà chính quyền huyện đảo Lý Sơn cần phải rút kinh nghiệm trước khi tìm kiếm một vị trí khác thay thế, tránh gây lãng phí cho Nhà nước và người dân.
Đối với chợ đêm Sông Trà, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, việc thiếu cơ sở pháp lý là nguyên nhân lớn nhất buộc chợ dừng hoạt động (cụ thể là vi phạm Luật Đê điều).
 Nguyên nhân lớn nhất khiến chợ đêm Sông Trà bị đóng cửa là do vi phạm Luật Đê điều.
Theo đại diện Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, trên tuyến đê Bắc (cách cầu Trà Khúc số 1 khoảng 300m về phía Tây), nhiều hộ kinh doanh ăn uống đã tự ý xây dựng trái phép các hạng mục như tự ý mở đường lên xuống, lát gạch, xây các bậc thang dân sinh bằng bê tông… Đáng lo ngại nữa, tình trạng khoan giếng phổ biến ở khu vực chợ đêm Sông Trà. Điều này có thể gây nên sạt lở bờ đê trong khi đây là tuyến đê bảo vệ cho cả TP Quảng Ngãi vào mùa mưa lũ. 
Lãnh đạo UBND TP Quảng Ngãi cũng cho hay, nguyên nhân đóng chợ đêm Sông Trà còn do chợ đã bị biến tướng và phát triển chệch hướng so với mục tiêu lúc đầu, tiểu thương chuyển sang đầu tư phát triển các mặt hàng khác, trong đó chủ yếu là các hàng quán nhậu và gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an ninh trật tự.
Trong bối cảnh việc kinh doanh bị đình trệ cho ảnh hưởng dịch Covid-19, lại thêm mưa bão năm 2020 tàn phá, không ít hộ tiểu thương phải đi vay mượn gầy dựng từ đầu, quyết định dừng hoạt động chợ đêm khiến nhiều người bàng hoàng và lo lắng bởi không ít vốn liếng đã “đổ” vào đầu tư tại chợ.  
Đáng chú ý, nhiều hộ kinh doanh ở chợ đêm Sông Trà đều là những người sống ở khu quy hoạch Trung tâm Hành chính tỉnh Quảng Ngãi bị “treo” hơn 20 năm qua, đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của UBND TP Quảng Ngãi, việc “khai tử” chợ sẽ làm cho khoảng 700 lao động mất việc làm, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng.
 Một góc Chợ đêm Sông Trà.
Dư luận cho rằng, ngoài yếu tố chưa thể giải quyết vấn đề an sinh cho người dân sau bao nhiêu năm “vẽ” ra chợ đêm, không biết Quảng Ngãi sẽ còn phải loay hoay với vấn đề tạo sản phẩm thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế ban đêm, tạo điểm nhấn đô thị cho tới bao giờ?