Để kiếm đủ 12 người cho chuyến đi biển dài ngày, ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 90625 TS phải lên kế hoạch từ nhiều ngày, thậm chí vài tháng trước.
Tránh tình trạng “nhảy tàu”, ông Hân cũng ứng tiền trước đặt cọc nhằm giữ chân lao động. Dù vậy, trước khi xuất bến, ông vẫn phải liên tục gọi điện thoại và đến tận nhà bạn nhắc nhở để chắc chắn tàu khởi hành đủ số người.
“Những tàu trong năm qua đi khai thác sản lượng đạt thấp, thu nhập kém thì bạn tàu thường không tiếp tục gắn bó mà nhảy sang các tàu khác. Do vậy, để giữ chân lao động, không chỉ đặt cọc tiền mà còn phải cải hoán, nâng công suất, tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập thì lao động mới bám biển dài ngày với tàu”- ông Hân chia sẻ.
Không may mắn khởi hành đúng ngày như ông Hân, nhiều chủ tàu phải chật vật kiếm lao động nhưng vì chưa đủ nên phải dời ngày xuất bến so với dự kiến.
Trong trường hợp không thể trì hoãn lâu hơn được nữa, các tàu này buộc phải ra khơi trong tình hình thiếu lao động dẫn đến hiệu quả khai thác không cao. Đã thế, khi khai thác không hiệu quả, lợi nhuận thấp thì bạn thuyền lại tiếp tục bỏ đi sang tàu khác. Khó càng thêm khó!
“Có chuyến biển đã chuẩn bị nhiên liệu và nhu yếu phẩm xong nhưng không thể liên lạc được với bạn nên không đủ lao động, đành cho tàu nằm bờ. Nghề này chỉ hợp đồng với nhau theo kiểu thỏa thuận bằng miệng, chẳng có giấy tờ nên gì nên không thể ràng buộc được. Tôi hy vọng tàu đánh bắt được nhiều hải sản, có nguồn thu nhập cao chi trả cho bạn, may ra mới giữ chân được họ”- ngư dân Phạm Quế, chủ tàu cá QNg 90427 TS cho hay.
Những năm qua, nghề đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, nên không ít lao động chuyển nghề hoặc đi làm bạn cho những chủ tàu ngoài tỉnh. Cùng với đó, số lượng tàu công suất lớn đóng mới ngày càng tăng... dẫn đến khan hiếm nguồn lao động đi biển trong mùa biển mới.
Một số tàu không tìm được lao động tại địa phương, các chủ tàu phải tìm kiếm lao động ở các tỉnh ngoài như Nha Trang, Bình Định,…
Ông Bùi Văn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chủ tàu QNg 90960 TS, cho biết: “Do thiếu lao động nên tôi kiếm người ở Nha Trang để đi cùng, cách 1-2 ngày khi tàu xuất bến thì họ đi xe ra Quảng Ngãi để lên tàu đi với mình. Tôi cũng cọc với họ từ 5-10 triệu đồng/người mới đủ 12 thuyền viên đi Trường Sa chuyến này”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 3.200 tàu thuyền, với khoảng 37.000 lao động trên biển. Qua thống kê, riêng thuyền có chiều dài hơn 15m nằm bờ khoảng 150 chiếc, còn tàu thuyền dưới 15m thì chưa có thống kê cụ thể.
Ông Mười cho rằng, nguyên nhân thiếu lao động nghề biển là do nghề này vất vả nhưng thu nhập bấp bênh nên một số lao động làm biển chuyển qua làm công ty, xí nghiệp, vừa gần nhà, vừa có thu nhập ổn định. Thêm vào đó, một số lao động trẻ không muốn nối nghiệp gia đình theo nghề biển mà làm nghề khác trên bờ nên hụt nguồn lao động bổ sung.