Phát triển chưa xứng tầm
Thị xã Đức Phổ nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi 40km về phía Nam, là vùng đất sở hữu tài nguyên du lịch phong phú. Đây cũng nơi có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia gồm: 26 di tích được bảo vệ và xếp hạng cấp tỉnh; đặc biệt 4 di tích xếp hạng cấp Quốc gia (Di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ, Trường Lũy, di tích mộ và nhà thờ Huỳnh Công Thiệu).
Đức Phổ hiện vẫn gìn giữ được các làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như nghề gốm, nghề làm muối… cùng các lễ hội văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc và nhiều món ăn đặc sản.
Đáng chú ý, Đức Phổ còn có làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh), hội tụ tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa và Đại Việt. Gò Cỏ từ lâu đã được xem như “viên ngọc quý” của ngành du lịch Quảng Ngãi. Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi vẫn giữ cho mình một diện mạo thuần chất đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Tôi cho rằng tiềm năng du lịch hàng đầu của Đức Phổ chính là khu vực quanh đầm An Khê, liền dải với Sa Huỳnh. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố phong phú như cảnh quan, chiều sâu văn hóa, ẩm thực, thuận tiện về giao thông”- ông Cao Chư- Nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi nhận định.
Thời gian qua, ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, du lịch Đức Phổ vẫn chưa tương xứng với lợi thế vốn có.
Hiện tại, du lịch Đức Phổ vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và chưa được sự quan tâm và chú trọng đúng mức, chưa có nhà đầu tư đủ tầm đến Quảng Ngãi nói chung và Đức Phổ nói riêng để đầu tư du lịch. Hơn nữa, các sản phẩm du lịch của Đức Phổ còn khiêm tốn, chưa có sức cạnh tranh.
Ông Hoàng Nam Chu - Nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng du lịch Đức Phổ vẫn phát triển chậm, lượng khách du lịch đến khá hạn chế, bình quân trong 5 năm gần đây mỗi năm chỉ đạt khoảng 30.000 lượt.
“Trên địa bàn thị xã chưa xây dựng được điểm đến, khu du lịch đạt các điều kiện theo quy định của Chính phủ. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu thiếu những dịch vụ phục vụ khách du lịch như vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn, hạ tầng kỹ thuật du lịch chậm được đầu tư xây dựng, nâng cấp”- ông Chu bày tỏ.
Đánh thức tiềm năng
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Sa Huỳnh, để đánh thức tiềm năng du lịch của Đức Phổ, cần rà soát lại tất cả các điểm tham quan và khu di tích trên địa bàn phù hợp cho việc nâng cấp mở cửa đón khách du lịch. Bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên nghiệp và tập trung quảng bá, thu hút đầu tư.
“Tập trung quảng bá du lịch vào mùa hè, mùa hạ và mùa xuân. Kêu gọi đầu tư các nhà hàng và khách sạn đủ chuẩn từ 3 sao trở lên. Mời các công ty du lịch địa phương và các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tom, Gia Lai, Đắk Lắk và các chuyên gia từ các tỉnh thành lớn là người gốc quê hương Đức Phổ để cùng hiến kế, kêu gọi nhà đầu tư”- ông Sơn bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, nên xác định cộng đồng là chủ thể trong phát triển bền vững du lịch Đức Phổ. Nhà nước giữ vai trò điều tiết và xây dựng các mô hình điều phối trong cộng đồng để nâng cao tính hợp tác, minh bạch, công bằng, kích thích sáng kiến của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát triển kinh tế.
“Chú trọng các giải pháp phát triển du lịch nông thôn và các dự án xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển du lịch, nông – lâm – ngư – diêm nghiệp; trong đó, đề cao vai trò của thành phần kinh tế tập thể; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống hay các sản phẩm đặc thù của địa phương…”- bà Kiều nêu quan điểm.
Theo ông Đỗ Tâm Hiển- Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, chính quyền xác định phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
“Trước mắt, thị xã phối hợp với các cơ quan của tỉnh, trung ương để tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án giao thông quan trọng, tạo tiền đề để phát triển du lịch; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch; mời gọi các nhà đầu tư có tầm chiến lược đến khảo sát, đầu tư các dự án lớn, mang tính kích cầu du lịch”- ông Đỗ Tâm Hiển cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, từ thực tế mô hình HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với xu hướng hiện nay. Do đó, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và đầu tư xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng khác trong khu vực Sa Huỳnh để đẩy mạnh thương hiệu về du lịch cộng đồng cho Đức Phổ.