Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Dạy nghề và tạo việc làm miễn phí cho trẻ khuyết tật

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đưa vào hoạt động từ năm 2015, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã trở thành điểm tựa vững chắc của trẻ em khuyết tật.

Từ mái ấm này, ngoài việc được nuôi dạy miễn phí, các em còn được dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ.
Trẻ khuyết tật được đào nghề tại trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn cho biết: Vào cuối năm 2018 vừa qua, từ nguồn hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức hảo tâm, Trung tâm đã xây dựng hoàn thành, đưa khu nhà xưởng may trị giá khoảng 3 tỷ đồng vào hoạt động. Đây là khu nhà xưởng khang trang và hiện đại, phục vụ hoạt động dạy nghề cho các cháu. Cùng với các phòng, nhà xưởng cùng trang thiết bị hiện có khác, trung tâm đang đào tạo cho các cháu 5 nghề, gồm: Nấu ăn, vẽ, vi tính, may công nghiệp, thêu công nghiệp.
“Với nhà xưởng và trang thiết bị mới đưa vào và đã có trước đó, năm nay ngoài số trẻ khuyết tật đang ở đây, trung tâm đã có thông báo chiêu sinh đào tạo miễn phí dạy nghề cho toàn bộ số trẻ khuyết tật trong tỉnh có nhu cầu. Dự kiến, việc tuyển sinh và thu nhận sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 sắp đến”, bà Hà cho hay.
Việc dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại trung tâm đã thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn và những nguyên nhân khách quan khác nên số lượng cháu được dạy ít hơn, việc dạy nghề chủ yếu là để các cháu hòa nhập vào cuộc sống tại cộng đồng là chính. Tuy nhiên năm nay, cùng với việc đưa xưởng may vào hoạt động, việc dạy nghề cho trẻ sẽ có những thay đổi tích cực. “Sau khi học nghề, những cháu có khả năng tiếp thu và làm tốt, sẽ được giữ lại để làm việc tại xưởng của trung tâm, với mức tiền khởi điểm dự kiến trả cho các cháu ít nhất là 2 triệu đồng/người/tháng”, bà Hà cho hay.
Bà Hà chia sẻ thêm: “Hiện tại, một số sản phẩm do các em làm ra như khẩu trang, hình thêu trên mũ..., trung tâm đã liên lạc và được một số DN trên địa bàn tỉnh quan tâm và hứa sẽ giúp tiêu thụ toàn bộ”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà giới thiệu một số sản phẩm của trung tâm đã được DN trên địa bàn tỉnh đồng ý tiêu thụ giúp.
Theo ông Lê Hồng Ca - Giám đốc Siêu thị Coopmark Quảng Ngãi, vừa qua đại diện của siêu thị có lên tham quan thực tế tại trung tâm. Qua đó, thấy các mặt hàng của các em làm ra khá đẹp. “Trong tương lai gần, siêu thị sẽ nhập hàng từ trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn về bán”, ông Ca thông tin.
Được biết, từ khi chính thức đưa vào hoạt động vào năm 2015 đến nay, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đã thu nhận chăm sóc nuôi dưỡng, dạy chữ và nghề miễn phí cho 100 - 120 cháu/năm, trong đó số bị khuyết tật khiếm thính chiếm tỷ lệ 51%. Riêng năm 2019 này, tổng số trẻ khuyết tật mà trung tâm đã tiếp nhận tăng lên gần 150 cháu.
Toàn bộ nguồn kinh phí hoạt động của trung tâm mỗi năm trung bình từ 4 - 5 tỷ đồng, nhờ vào đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong cả nước. Đầu năm 2019, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam đã hỗ trợ 1 tỷ đồng để trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ tốt hơn công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật tại trung tâm.
Gần đây nhất là vào sáng 18/2/2019 vừa qua, từ kinh phí vận động được, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trao số tiền hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho trung tâm.