Quảng Ngãi: Đối mặt tình trạng gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Sông, biển "nuốt" đất

Tại thôn Đông Yên 2 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ông Phan Đình Tuyên có hơn 500m2 đất nằm ven sông Trà Bồng. Đây là nơi cư trú của 4 thành viên trong gia đình và cũng là tài sản duy nhất có giá trị của vợ chồng ông. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở gia tăng khiến nhiều diện tích đất của gia đình bị cuốn trôi.

"Khu đất này vốn rất cao nhưng qua nhiều năm đã bị xói mòn, trôi xuống sông. Chuồng lợn, chuồng vịt trước nằm ở ngoài kia nhưng rồi đất bị sạt lở nên phải làm lùi vào. Mà cũng không dám làm kiên cố, sợ sông lấn vào giựt mất", ông Phan Đình Tuyên lo âu.

 Vợ chồng ông Tuyên dùng bao cát làm kè tạm để giữ đất
Để giữ đất, ông Phan Đình Tuyên dùng bao cát làm kè tạm. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng diễn ra nhanh và liên tục hơn khiến ông và gia đình rất bất an.
Chung tình cảnh như ông Tuyên, bà Phạm Thị Nguyên cũng vô cũng lo lắng vì sạt lở cứ gia tăng, ngoạm sâu vào rặng tre gần bờ sông rồi lôi tuột xuống sông. “Bà con ở đây chỉ mong muốn có cái kè cho yên tâm. Chứ sạt lở như vầy thấp thỏm miết, làm nhà kiên cố cũng không dám, sợ sạt lở lấn sâu vào rồi cuốn trôi hết”, bà Nguyên bày tỏ.
 Sạt lở ''xô đổ'' bụi tre ở bờ sông và cuốn xuống nước.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, toàn xã có 260 hộ dân với trên 1.000 khẩu bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông.
“Diện tích đất của xã Bình Dương không lớn, tình trạng sạt lở vừa ảnh hưởng đến đời sống vừa làm mất đi diện tích đất ở của bà con nhân dân. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên phâm bổ kinh phí để đầu tư kè để chống sạt lở của thôn Đông Yên 2, vừa đảm bảo đời sống, vừa giữ lại diện tích đất ở vốn có”, ông Nguyễn Quang Vũ nói.
Trong khi đó, tại xã Tịnh Bắc (huyện Sơn Tịnh), sạt lở bờ sống cũng đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân, nghiêm trọng nhất là tại khu vực xóm 2, thôn Minh Mỹ. Tuyến đường dân sinh dài hơn 50m bị sạt lở nặng khiến các hộ dân sinh sống, qua lại ở đây rất bất an, lo lắng. Trạm bơm nước dùng để tươi tiêu cho hàng trăm ha lúa, hoa màu của bà con trong thôn hiện đã nằm ngay mép sạt.
 Sạt lở bờ sông ở xã Tịnh Bắc ngày càng gia tăng.
Tại vùng biển Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) triều cường cũng đã xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền, đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng của khoảng 30 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu đang sinh sống tại đây.
Đầu tư khẩn cấp các công trình chống sạt lở
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của thiên tai. Trong năm 2021, tỉnh đã triển khai xây dựng 3 dự án chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại khu dân cư thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), khu vực bờ sông Vệ đoạn cuối thị trấn Sông Vệ, giáp xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) và khu vực tư cầu sông Rin đến trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Hà, với tổng kinh phí trên 73 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh.
 Sạt lở bờ biển ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An.
Đối với các dự án chống sạt lở quy mô lớn tại khu vực bờ biển xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), xã Bình Trị (huyện Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và xử lý sạt lở tại khu vực bờ sông Vệ, thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa), xử lý sạt lở khu vực sông Trà Câu đoạn dọc phường Phổ Minh, Phổ Ninh (thị xã Đức Phổ) và nhiều điểm sạt lở lớn do ảnh hưởng của bão lũ năm 2021, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ đầu tư dự án với tổng kinh phí trên 670 tỷ đồng.
 Ông Huỳnh Trọng Phương - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi.
“Hiện tại, có tổng cộng 15 công trình sạt lở khẩn cấp, UBND tỉnh đã có báo cáo cho Ban thường vụ Tỉnh ủy, trước mắt sẽ khắc phục tạm thời cho người dân. Về lâu dài, khi có kinh phí từ Trung ương, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư công trình chống sạt lở để đảm bảo cho người dân an toàn trong những mùa mưa bão tiếp theo”, ông Huỳnh Trọng Phương - Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết.
Theo ông Phương, hiện UBND tỉnh cũng đã phân bổ 100 tỷ đồng để các địa phương từng bước khắc phục dần tình trạng sạt lở sông, sạt lở núi ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 275 điểm sạt lở. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở trầm trọng, đồng thời tuyên truyền vận động người dân chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.