70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi hoãn họp để ưu tiên ứng phó bão

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ 7 giờ ngày 26/10, tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết phải tạm hoãn để tập trung vào công tác phòng, chống, khắc phục bão, mưa lũ.

Đây là một trong những nội dung trong công văn hỏa tốc do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn vừa ký ban hành về việc triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6 (bão Trà Mi). 

Theo đó, cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 10 giờ ngày 26/10 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 10 giờ ngày 26/10 .
Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 10 giờ ngày 26/10 .

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6; thông báo, hướng dẫn kịp thời  chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm của bão. Hoàn thành trước 10 giờ ngày 26/10.

Thông báo, hướng dẫn và yêu cầu các chủ lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển khẩn trương di chuyển vào nơi an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi neo trú; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại.

Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn; trong đó đặc biệt lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa. Hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 17 giờ ngày 26/10.

Các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi (dự kiến là khu vực ảnh hưởng bão nhiều hơn) xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với tình huống bão cho các xã ven biển (kịch bản dự kiến: Lý Sơn gió mạnh cấp 10, giật cấp 11; các xã ven biển huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi: cấp 8, 9 giật cấp 10).

Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã ven biển rà soát, kiểm tra và huy động lực lượng, phương tiện để gia cố, chằng chống các công trình, trụ sở làm việc, chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn; hướng dẫn và hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà ở, ưu tiên hỗ trợ những gia đình có người già neo đơn, người khuyết tật, phụ nữ... Hoàn thành trước 18 giờ ngày 26/10.

Các xã ven biển huyện Bình Sơn, TP Quảng Ngãi tổ chức di dời, sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn, hoàn thành trước 7 giờ ngày 27/10; riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 22 giờ ngày 26/10.

Triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão gây gió mạnh trên địa bàn; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu các địa phương, đơn vị đề phòng các tình huống mưa lớn gây nguy cơ sạt lở đất lũ quét ở các huyện miền núi và lũ lên nhanh tại sông, suối nhỏ (nhất là sông: Trà Bồng, Phước Giang, Vệ).

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, ảnh hưởng của bão số 6, vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió bắc đến tây bắc cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi.
Diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi.

Khả năng từ chiều tối và đêm 26/10, gió bão mạnh dần lên cấp 8, 9, giật cấp 10-11, sóng biển cao 3,0-5,0m; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12, sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.

Trên đất liền, khả năng từ chiều tối và đêm 26/10, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; vùng gần tâm bão cấp 7, giật cấp 8-9 (đặc biệt chú ý vùng ven biển phía bắc tỉnh như Bình Sơn, TP Quảng Ngãi).

Khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa rào và dông, khả năng từ chiều 26-28/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi, Trà Bồng, Sơn Hà và huyện đảo Lý Sơn phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3 giờ).

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.