Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Học dân vũ, đánh chiêng để làm du lịch

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc đưa các sản phẩm đặc trưng về văn hóa gắn kết với phát triển du lịch được xem là hướng đi hiệu quả và bền vững.

Để thu hút du khách, 3 năm nay, Khu du lịch sinh thái Suối Chí (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp với đoàn ca múa nhạc dân tộc, Hợp tác xã Nông-lâm-du lịch văn hóa Làng Teng và những nghệ nhân Chiêng Ba ở huyện Ba Tơ biểu diễn cồng chiêng, múa hát các làn điệu dân ca của đồng bào H’re.

Biểu diễn các điệu múa của đồng bào H're ở Khu du lịch sinh thái Suối Chí.
Biểu diễn các điệu múa của đồng bào H're ở Khu du lịch sinh thái Suối Chí.

Du khách đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được tham quan vui chơi, xem biểu diễn Chiêng Ba và các làn điệu KaLêu, Ka Choi vui mừng vụ mùa, về nhà mới... của bà con miền núi.

"Lần đầu tiên được xem trực tiếp đánh chiêng, các nghệ nhân còn hướng dẫn và cho trải nghiệm đánh thử nên mọi người trong đoàn thấy rất hào hứng”- chị Nguyễn Kim Ngọc (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng, là địa bàn sinh sống của gần 187 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, khu vực miền núi của Quảng Ngãi giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số H’re, Cor, Ca Dong cùng nhiều thắng cảnh hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng.

Một tiết dạy học đánh chiêng ở huyện Trà Bồng.
Một tiết dạy học đánh chiêng ở huyện Trà Bồng.

Những năm gần đây, tại các huyện miền núi và khu vực có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác bảo tồn văn hóa được chú trọng, nhiều lớp truyền dạy thường xuyên được mở, vận động những thanh niên đam mê, có năng khiếu tham gia.

Hoạt động này vừa để lưu giữ nghệ thuật đánh cồng chiêng cho thế hệ mai sau, vừa gắn kết với các hoạt động du lịch để thu hút du khách các nơi.

Mới đây nhất, huyện Nghĩa Hành tổ chức lớp truyền dạy Chiêng Ba và bài dân vũ truyền thống cho người dân H’re ở xóm Đèo (xã Hành Dũng).

Học viên trình diễn các điệu múa đặc trưng của người H're.
Học viên trình diễn các điệu múa đặc trưng của người H're.

“Những điệu múa này thời trước ông bà của chúng tôi ai cũng thuộc, nhưng sau này cứ mai một dần. Đến bây giờ lớp trẻ rất ít người biết. Nhờ có lớp học học này mà chúng tôi nắm bắt được các động tác cơ bản, các bài chiêng, bài dân vũ truyền thống của người đồng bào H’re"- chị Đinh Thị Kem (học viên của lớp) chia sẻ.

Ngoài việc giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, bà con người H're ở xóm Đèo cũng mong thời gian tới sẽ được trình diễn để phục vụ du khách gần xa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lớp truyền dạy đánh Chiêng Ba và dân vũ truyền thống đồng bào H're góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H're trên địa bàn huyện Nghĩa Hành nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Qua đó, xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao huyện Nghĩa Hành trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

“Việc tổ chức lớp học nhằm khơi dậy niềm đam mê múa dân vũ, diễn tấu chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phục vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”- ông Tuấn nói.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa- Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đát, việc đưa các sản phẩm đặc trưng về văn hóa gắn kết với phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả và bền vững, vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển kinh tế. Thực tế có một số nơi ở Quảng Ngãi đã làm rất tốt việc này.

Người dân và du khách xem biểu diễn nghệ thuật Cồng chiêng, múa cà đáo, nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Cor ở lễ hội Điện Trường Bà.
Người dân và du khách xem biểu diễn nghệ thuật Cồng chiêng, múa cà đáo, nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Cor ở lễ hội Điện Trường Bà.

“Du khách đến Quảng Ngãi, vừa thưởng lãm cảnh sắc, vừa thưởng thức món ăn truyền thống, vừa xem múa dân vũ và nghe tấu chiêng… Đó là cách làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch và tạo sức hấp dẫn riêng cho du lịch Quảng Ngãi” - ông Đát cho hay.