Xuất hiện khắp nơi
Chị Nguyễn Thị Th. (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) vừa xin phép cho con gái 4 tuổi nghỉ học để đưa đi khám bác sĩ.
“Mấy hôm nay trong nhà thấy có kiến ba khoang. Sau đó thấy vùng da cổ của con phồng rộp, nổi đốm đỏ, đau rát… chắc là bị dính độc tố của kiến ba khoang rồi”, chị Th. Cho biết.
Cũng chung tình trạng như chị Th., vợ chồng anh Nguyên Kh. (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) cũng đưa con đi khám vì liên quan đến kiến ba khoang. “Đi khám, lấy thuốc bôi bớt rồi lại bị. Kiến ngày nào cũng vào nhà”, anh Kh. nói.
Còn chị Trần Thị L. (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) thì lại kém may mắn hơn khi cả mẹ lẫn con đều là nạn nhân của loài sinh vật này.
“Lúc trông thấy một số kiến bò trong nhà, sợ bị đốt nên con lấy tay giết. Sau đó lại vô tình sờ tay lên mắt, lên mặt thì thấy bỏng rát như dính axit. Tìm hiểu thông tin trên mạng mới biết mình đã giết kiến ba khoang, dính phải độc tố của kiến”, chị L. kể.
Vết thương của mình chưa kịp lành thì con nhỏ của chị L. cũng bị dính độc tố của kiến ba khoang. Vùng tay của con bị nổi mụn đỏ khắp cánh tay, 2 ngày sau da lở loét lan rộng, cháu quấy khóc suốt ngày khiến gia đình chị mất ăn mất ngủ. Chị mang cháu đi khám bác sĩ da liễu chẩn đoán bị kiến ba khoang đốt.
Một tháng qua, các phòng khám chuyên da liễu trên địa bàn TP Quảng Ngãi đông nghịt người đến khám vì tiếp xúc kiến ba khoang. Đa phần bệnh nhân bị tổn thương nặng vì sau 3 - 5 ngày xuất hiện các đốm đỏ trên da mới đi khám bệnh.
Người dân rất lo lắng vì kiến ba khoang xuất hiện khắp ngóc ngách trong nhà. Không ít người bị dính độc tố của loài kiến này gây sưng tấy, mụn mủ, phồng rộp, hoại tử da.
Không nên tự chữa trị
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Mai Văn Bắc - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong một tháng qua, một nửa số lượng bệnh nhân đến phòng khám da liễu liên quan đến kiến ba khoang.
Bắt đầu từ mùa mưa là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Buổi tối kiến theo ánh sáng bay vô nhà bám vào quần áo, gường chiếu, bàn ghế… Mọi người dùng tay giết hoặc vô tình đụng chạm vào kiến, khiến độc tố trong cơ thể kiến tiết ra gây tổn thương vùng da bị tiếp xúc.
Theo bác sĩ, cách xử lý tốt nhất là rửa sạch vùng da vừa tiếp xúc với kiến càng nhanh càng tốt bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng dịu nhẹ để trung hòa hoặc giảm bớt độc tố thẩm thấu nhanh vào da, hạn chế sự kích ứng trên da. Nếu không rửa sạch sẽ khiến viêm da, da đỏ, có dịch tiết kèm theo vết trầy loét, mụn nước nhỏ, tùy theo mức độ bệnh.
Cũng theo bác sĩ Bắc, thông thường trong kiến ba khoang có nhiều loại vi khuẩn, vi trùng, nấm… bám theo. Vì thế khi xuất hiện biểu hiện bệnh, mọi người nên đến các phòng khám da liễu để khám, chữa trị kịp thời. Nếu chậm trễ dễ gây ra biến chứng khiến vùng da bị loét sâu, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nặng hơn. Thời gian chữa trị sẽ kéo dài. Đặc biệt với trẻ em vì da trẻ nhỏ nhạy cảm tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà vì rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Kiến ba khoang hay còn gọi là kiến cong, kiến gạo, kiến khoang… Khác với các loại kiến khác, kiến ba khoang có đầu, thân giữa và đuôi màu đen, màu đen xen kẽ hai khoan màu vàng cam. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa.
Theo bệnh viện Da liễu Trung ương, kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Độ gây bỏng mạnh gấp 100 - 150 lần axít sunfuric đậm đặc, vì thế khi tiếp xúc vào da có thể gây bỏng.
Nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người. Nếu để lâu có thể bị nhiễm trùng da.