70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Kiệu được mùa nhưng rớt giá

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đầu vụ kiệu Tết, thay vì khoảng 15.000- 20.000 đồng/kg như mọi năm thì năm nay, giá chỉ ở mức 7.000- 8.000 đồng.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân xã Bình Long (huyện Bình Sơn) thu hoạch kiệu để bán cho thương lái. Đây cũng là vùng trồng kiệu nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Ngãi cho đến thời điểm hiện tại .

Clip người dân thu hoạch kiệu. 

Để phục vụ cho thị trường Tết, cách đây khoảng 4 tháng, ông Phan Tấn Lợi (thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn) xuống giống trồng 1 sào kiệu. Nhờ thời tiết thuận lợi nên kiệu phát triển tốt, củ to, ít sâu bệnh. Thế nhưng năm nay giá cả lại đang quá thấp khiến ông kém vui.

Ông Phan Tấn Lợi buồn rầu vì kiệu mất giá.
Ông Phan Tấn Lợi buồn rầu vì kiệu mất giá.

"Thương lái mua chỉ khoảng 7.000- 8.000 đồng/kg kiệu tươi, thấp hơn nhiều so với các năm. Những năm trước, thời điểm này kiệu phải tầm 15.000 đến 20.000 đồng/kg", ông Lợi chia sẻ.

Theo nhiều hộ trồng kiệu, cùng kỳ năm ngoái, giá kiệu ở mức 19.000 đồng/kg, đến giáp Tết còn 12.000 đồng/kg. Còn năm nay, bà con hết sức lo lắng vì giá kiệu đầu vụ đã giảm đến quá nửa và có khả năng tiếp tục rớt giá,  khiến người trồng thất thu nặng.

Ông Hồ Duy Thái thu hoạch kiệu.
Ông Hồ Duy Thái thu hoạch kiệu.

"Với giá cả hiện nay thì 2 sào thì thu được khoảng hơn 15 triệu đồng, trong đó quá nửa là chi cho phân, giống, chưa tính công chăm sóc. Năm nay thương lái thu mua giá thấp quá", ông Hồ Duy Thái (47 tuổi) thở dài.

Nghề trồng kiệu ở Long Yên có từ lâu nên phần lớn các hộ trồng kiệu ở vùng này đều đã có "thâm niên" hàng chục năm. Họ đều là những người lớn tuổi, ngoài nguồn thu nhập từ cây lúa thì cây kiệu đã góp phần giúp bà con cải thiện kinh tế.

Kiệu Long Yên được ưa chuộng bởi mùi thơm 
Kiệu Long Yên được ưa chuộng bởi mùi thơm 

Đặc trưng của củ kiệu vùng này là được trồng ở ngọn núi phía sau lưng thôn Long Yên. Đây là khu vực cao ráo, vừa có đất thịt pha cát, vừa tận dụng được nước trời (nước mưa) nên kiệu có mùi thơm nồng đặc trưng hơn hẳn kiệu các nơi khác.

Kiệu thu hoạch xong được người dân bó thành từng bó nhỏ, sau đó chở ra khỏi khu vực núi và rửa sạch sẽ trước khi bán cho thương lái.

Người dân rửa kiệu sau khi thu hoạch
Người dân rửa kiệu sau khi thu hoạch

Với giá trị và tiềm năng kinh tế cao, kiệu Bình Long đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, lấy tên là Kiệu Bình Long- Bình Sơn.

Đối với Bình Long, kiệu là cây trồng đặc sản. Chính vùng đất thổ, triền núi ở Long Yên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đặc tính nông học của cây kiệu nên kiệu Long Yên mang một hương vị đặc trưng mà không vùng nào có được.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Phạm Đình Dương cho biết, thôn Long Yên là vùng trồng kiệu lớn nhất trong xã với hơn 20ha đất, ước tính sản lượng 16 tấn/ha.

"Hiện tại thương lái đang thu mua thấp hơn so với các năm, nguyên nhân là do kiệu các nơi cũng đang vào vụ thu hoạch và đưa về thị trường Quảng Ngãi, gần nhất là kiệu của Bình Định", ông Dương cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Phạm Đình Dương.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Phạm Đình Dương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, để nâng tầm sản phẩm đặc trưng này của địa phương, kiệu Bình Long được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa vào kế hoạch trong giai đoạn 2021- 2025 nâng từ 3 sao lên 4 sao OCOP.

"Hiện tại kiệu đã có mã QR code, truy xuất vùng trồng. Địa phương mong muốn kiệu đạt OCOP để ổn định chuỗi liên kết sản xuất. Kiệu là sản phẩm tươi, mỗi năm chỉ có 1 vụ nên cần kho lạnh để chủ thể dự trữ, cung cấp ra thị trường quanh năm", ông Dương chia sẻ.

Kiệu Bình Long đã có mã QR code.
Kiệu Bình Long đã có mã QR code.

Ngoài Long Yên, hiện ở các thôn Long Xuân và Long Vĩnh (xã Bình Long) người dân cũng trồng kiệu để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là kiệu Long Yên.

Người dân bắt đầu xuống giống kiệu từ giữa tháng 7 (âm lịch) và thu hoạch vào tháng Chạp. Dù mỗi năm chỉ trồng một vụ, nhưng trồng kiệu đã mang lại thu nhập quan trọng cho hàng trăm hộ dân, hơn hẳn các loại rau màu khác.