70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Lo ngại về hoạt động vận tải Đảo Lớn - Đảo Bé

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng sử dụng ca nô bịt kín đưa đón khách từ Đảo Lớn sang Đảo Bé để tham quan, vấn đề an toàn ở tuyến vận tải biển này rất cần được quan tâm.

Thời gian gần đây, hoạt động du lịch ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sôi động trở lại với hàng trăm du khách đến đảo mỗi ngày. Tuy nhiên, sau vụ chìm ca nô thảm khốc trên biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm 17 người chết, nhiều du khách bày tỏ lo ngại khi dùng ca nô đi từ Đảo Lớn sang đảo Bé (huyện Lý Sơn) và ngược lại.

Ca nô là phương tiện vận tải khách từ đảo Lớn sang đảo Bé và ngược lại.
Ca nô là phương tiện vận tải khách từ đảo Lớn sang đảo Bé và ngược lại.

“Ai cũng được yêu cầu phải mặc áo phao và ngồi trật tự để đảm bảo an toàn, nhưng thật sự vẫn cảm thấy khá lo lắng vì ca bô bịt kín, khó thoát hiểm khi có sự cố”, chị Lê Thị Gấm (du khách ở Quảng Trị) chia sẻ.

Theo thống kê, tuyến vận tải khách đảo Lớn đi đảo Bé hiện có 14 ca nô du lịch, tuy nhiên chỉ có 8 phương tiện đủ điều kiện hoạt động đưa đón khách. Ban Quản lý cảng Lý Sơn và Trạm kiểm soát Biên phòng Lý Sơn tăng cường kiểm soát chặt người và phương tiện trước khi xuất bến.

"Từ năm 2018 đến nay, tất cả ca nô mui trần được cải hoán, bịt kín theo chuẩn hoạt động ở vùng SB, tức vùng ven biển, cửa biển, cách bờ không quá 12 hải lý. Dù đảm bảo an toàn cho du khách khỏi bị ảnh hưởng sóng gió nhưng lúc gặp sự cố thì lại khó khăn trong việc thoát hiểm và cứu nạn”, ông Trần Bút - Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn cho biết.

Theo ông Bút, khi có sự cố xảy ra, ca nô bị chìm, người mặc áo phao nổi lên, áo phồng, áp sát mái che. Lúc đó, hành khách không thể lặn xuống cũng không thể thoát ra ngoài.

Các ca nô được cải hoán, bịt kín theo chuẩn hoạt động ở vùng SB.
Các ca nô được cải hoán, bịt kín theo chuẩn hoạt động ở vùng SB.

Các chủ ca nô du lịch cho hay, từ đảo Lớn sang đảo Bé khoảng 3 hải lý, người lái ca nô phải có bằng lái và các chứng chỉ hành nghề. Từ sau vụ tai nạn ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, tất cả chủ phương tiện đều được khuyến cáo và tự kiểm tra kỹ phương tiện, thiết bị trước khi xuất bến, tuyệt đối không chủ quan khi trên biển có gió cấp 5, cấp 6.

“Để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như ở Cù Lao Chàm - Cửa Đại, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người dân, tạo dư luận không hay và ảnh hưởng phát triển của ngành du lịch, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các ngành liên quan để kiểm tra. Đề nghị các ngành nghiên cứu những vấn đề không phù hợp với thực tế để có sự điều chỉnh”, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bày tỏ.

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.
Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Cũng theo bà Hương, mấy năm trước, ở tuyến đảo Lớn - đảo Bé từng xảy ra vụ tai nạn làm một du khách tử vong trên chiếc ca nô bị bịt kín. Đáng chú ý, du khách này bơi khá tốt và mặc áo phao nhưng bị mắc kẹt trong khoang.

Được biết, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với các địa phương, đơn vị, lực lượng Bộ đội biên phòng tổng kiểm tra, rà soát tất cả phương tiện tham gia vận tải khách, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Hành khách trên tàu cao tốc ra Lý Sơn.
Hành khách trên tàu cao tốc ra Lý Sơn.

Tại tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường lực lượng kiểm tra, hướng dẫn hành khách xuống tàu. Hiện tại, tuyến vận tải biển này có 6 tàu cao tốc của 4 doanh nghiệp tham gia vận tải khách ra đảo Lý Sơn. Mỗi ngày có 4 chuyến tàu đưa hơn 400 khách ra đảo.

“Đối với tuyến vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo Lý Sơn, theo điều kiện đăng kiểm của các phương tiện, khi hành khách lên tàu không bắt buộc phải mặc áo phao. Tuy nhiên, chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên phải bố trí các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, áo phao tại vị trí thích hợp, khi có tình huống xảy ra thì thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn”, thượng úy Phạm Văn Lượng - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ thông tin.