Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Ngành chế biến gỗ vẫn đang “dậm chân tại chỗ”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, dù qua hơn 20 năm hoạt động, nhưng sự phát triển của ngành chế biến gỗ của tỉnh vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án đầu tư đang hoạt động và đang triển khai đầu tư sản xuất dăm gỗ, có hợp phần dăm gỗ trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. 

Quảng Ngãi có 19 dự án đầu tư dăm gỗ đang hoạt động
Quảng Ngãi có 19 dự án đầu tư dăm gỗ đang hoạt động

Trong số 19 dự án đầu tư dăm gỗ đang hoạt động, có 6 dự án thực hiện sản xuất 100% dăm gỗ, 13 dự án đầu tư nhiều hợp phần, bao gồm có hợp phần dăm gỗ. Một số dự án, nhà đầu tư có vi phạm về đất đai, xây dựng, môi trường… đã và đang khắc phục.

Riêng đối với 2 dự án không cấp chủ trương đầu tư, thực hiện theo pháp luật đất đai tại Cụm Công nghiệp Đồng Dinh (huyện Nghĩa Hành), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra, rà soát, xử lý.

Theo Sở KH&ĐT, đa số các nhà đầu tư thống nhất với định hướng của tỉnh về giảm tỷ lệ băm dăm thô, tăng tỷ lệ chế biến sâu, nhưng phần lớn chưa đưa ra được lộ trình chuyển đổi của từng dự án.

Ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn.
Ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là hiện nay thị trường ngành gỗ của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp không có đơn hàng, tồn kho lớn không xuất khẩu được. Vấn đề này được thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam trong thời gian qua chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Dù không thể sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn các doanh nghiệp phải duy trì lực lượng nhân công, trả lãi suất ngân hàng, bảo hiểm,... nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để sản xuất, chế biến sâu, tinh chế gỗ thì cần gỗ lớn nhưng nguồn nguyên liệu gỗ lớn hiện nay tại tỉnh rất thấp; một số nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động.

Các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi quan tâm phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, đề xuất Bộ Tài chính xây dựng cơ chế về thuế đối với xuất khẩu dăm thô. Bên cạnh đó, cần có bảo hiểm cho cây keo để người dân an tâm không bán keo non khi vào mùa mưa bão…

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn UBND tỉnh chia sẻ, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được ổn định sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Phải tạo chuyển biến đột phá 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, dù đã qua hơn 20 năm hoạt động, nhưng sự phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh vẫn đang "dậm chân tại chỗ".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.

Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp không cao, thu nhập của người dân trồng rừng để phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng không cao. Điều đó cho thấy, tỉnh đi chưa đúng hướng. Ông Minh cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, có phần lỗi từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế- xã hội, định hướng phát triển trong lĩnh vực chế biến gỗ của các cơ quan quản lý chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, chưa có định hướng rõ nét và cân đối cung cầu.

Từ đó, phát triển ồ ạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ làm mất cân đối cung cầu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và dẫn đến tình trạng mua bán gỗ keo chất lượng không cao xảy ra trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp khi nghiên cứu đầu tư vào thị trường của tỉnh chưa nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo, toàn diện điều kiện thực tiễn của tỉnh về nguồn nguyên liệu, diện tích trồng rừng..., dẫn đến việc lập và trình dự án đầu tư chưa sát với thực tế.

Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động lại không thực hiện đầy đủ các ngành nghề kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp vi phạm và cạnh tranh chưa lành mạnh trong việc mua bán gỗ của người dân. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa ngành chế biến gỗ phát triển tướng xứng với tiềm năng của tỉnh. 

Để hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu của tỉnh đưa ra đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ, ông Minh yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần rà soát lại những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của mình để có giải pháp khắc phục. Theo nguyên tắc, lỗi  của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó phải sửa với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm. 

Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững.

Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, báo cáo của Sở KH&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, địa phương.

Trong đó, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát lại các dự án của các nhà đầu tư có dự án đang sản xuất, hoạt động liên quan trong lĩnh vực dăm gỗ trên địa bàn, tham mưu đề xuất phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc, gửi Sở KH&ĐT chậm nhất trước ngày 15/7/2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành hồ sơ lâm bạ để làm cơ sở cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh quy định xác định tỷ lệ phần trăm các sản phẩm gỗ để làm cơ sở cho sở Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các sản phẩm đã cấp chứng nhận cho nhà đầu tư.

Đồng thời, nghiên cứu giống để cung cấp cho người dân trồng rừng; triển khai thực hiện kế hoạch về thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, nhất là vốn hỗ trợ cho người dân trồng rừng.

Đối với UBND các huyện, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn đối với lĩnh vực này, tổ chức tuyên truyền, giải thích, định hướng cho người dân về lợi ích của việc trồng keo và bán đúng chu kỳ sinh trưởng, khoản cách trồng đúng quy định

Khẩn trương hình thành các tổ, đội, hợp tác xã để liên kết trồng rừng; rà soát giải quyết vướng mắc thuộc trách nhiệm của địa phương về cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy,…

“Chủ trương và quan điểm của tỉnh là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, người dân có thu nhập tăng cao, góp phần tăng vào ngân sách nhà nước và phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh nhà”, ông Minh nhấn mạnh.