Quảng Ngãi: Người dân “nín thở” sống chung với ô nhiễm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Người dân ở nhiều khu dân cư tại TP Quảng Ngãi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt.

Đeo khẩu trang là cách mà nhiều người dân ở đội 3 (thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lựa chọn để có thể sống chung với tình trạng ô nhiễm từ đoạn kênh chảy qua địa bàn.

Người dân phải thường xuyên đeo khẩu trang để "đối phó" với mùi hôi thối.
Người dân phải thường xuyên đeo khẩu trang để "đối phó" với mùi hôi thối.

Ông Lê Phú Quang (thôn Phú Bình) chia sẻ: “Chục năm nay, kênh trở thành ổ vi trùng không ai xử lý. Bình thường sáng nắng lên là hôi thối không chịu nổi. Giờ phải tìm cách thoát nước đi, chứ để đọng lại hết năm này tới năm rất mất vệ sinh, không đảm bảo cuộc sống cho nhân dân”.

Ngoài chịu đựng mùi hôi thối, người dân còn phải đối diện với bệnh truyền nhiễm bởi ruồi muỗi ở nơi đây nhiều vô số kể.

Nước kênh đen ngòm.
Nước kênh đen ngòm.

Được biết, đoạn kênh người dân phản ánh thuộc hệ thống thoát nước dọc của quốc lộ 24B, đoạn gần khu vực chợ Châu Sa. Đã nhiều năm, kênh bị bồi lấp không thoát nước được. Nguyên nhân ô nhiễm được cho là do nước thải, nước sinh hoạt từ chợ, lò mổ gia súc và một số hộ dân 2 bên đường đổ ra kênh. Người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo chính quyền xã Tịnh Châu, rất khó giải quyết tình trạng ô nhiễm vì đoạn kênh nằm ở ranh giới 3 xã là Tịnh An, Tịnh Châu và Tịnh Long. Trong khi đó, nguồn lực để nạo vét cũng vượt quá khả năng của địa phương, nên chỉ có thể tuyên truyền người dân hạn chế xả thải nước thải sinh hoạt ra kênh.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu Trần Ngọc Lâm.
Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu Trần Ngọc Lâm.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu Trần Ngọc Lâm cho biết: “Kiến nghị TP quan tâm hỗ trợ kinh phí để các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Long nạo vét kênh, đỡ phần nào nước tồn đọng. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây mới lại chợ Châu Sa nhằm giảm bớt việc xả chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường"

Trong khi đó, tại tổ dân phố 3 (phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi), hàng chục hộ dân cũng phải “bấm bụng” sống chung với ô nhiễm trong nhiều năm.

Tuyến kênh ở khu vực tổ dân phố 3, phường Nghĩa Lộ.
Tuyến kênh ở khu vực tổ dân phố 3, phường Nghĩa Lộ.

"Nước kênh bốc mùi hôi thối làm mọi người ăn không ngon, ngủ không yên. Còn vào mùa mưa, nước từ kênh dâng cao, dơ bẩn không chịu nổi”, ông Nguyễn Đức Minh (tổ dân phố 3) phàn nàn.

Theo chính quyền phường Nghĩa Lộ, tuyến mương thoát nước này có từ trước năm 2015, là hệ thống thoát nước mặt của chung khu vực tuyến đường Nguyễn Trãi, Ngã 5 mới, đường Lê Lợi, Nguyễn Công Phương, thoát nước An Ngãi chạy qua xứ đồng Bầu Đưng và chạy thoát ra sông Bàu Giang.

Đối với đoạn mương đất (hở) các hộ dân phản ánh có chiều dài khoảng 300m, mặt cắt chiều rộng mương 3- 4,5m, điểm đầu tiếp giáp với hệ thống thoát nước Ngoài hàng rào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và điểm cuối điểm cuối tiếp giáp với hệ thống thoát nước dự án Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, hiện có khoản trên 25 hộ dân đang sinh sống xung quanh tuyến mương này.

Sau khi dự án thoát nước ngoài hàng rào Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghiệm thu, đưa vào sử dụng năm 2019, khu vực mương hở nói trên bị ô nhiễm vào mùa nắng, nước có màu xanh.

“Đoạn mương nằm trong quy hoạch chỉnh trang khu dân cư tổ 6, tổ 8, nay là tổ 3 phường Nghĩa Lộ và ngầm hóa hệ thống thoát nước kết hợp đường giao thông Triệu Quang Phục. Hiện dự án này đã có thông báo thu hồi đất nhưng vẫn chưa được triển khai”, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Lộ Võ Văn Vinh thông tin.

Ông Vinh cho rằng, để giải quyết bức xúc của các hộ dân, trước mắt, UBND TP Quảng Ngãi cần có ý kiến chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất phối hợp Công ty môi trường cho phát cây cỏ, nạo vét để hạn chế nước đọng, gây ô nhiễm.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh thừa nhận, thời gian qua, có rất nhiều ý kiến của bà con phản ánh về ô nhiễm kênh, mương.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các tuyến kênh, mương tại TP Quảng Ngãi đã được người dân phản ánh nhiều lần.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các tuyến kênh, mương tại TP Quảng Ngãi đã được người dân phản ánh nhiều lần.

“Nguyên nhân của tình trạng trên có yếu tố về lịch sử. TP Quảng Ngãi hiện là đô thị loại 2 nhưng xuất phát điểm rất thấp, giai đoạn đầu chưa đủ lực để đầu tư đồng bộ về hệ thống thoát nước, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu của phát triển đô thị. Các tuyến kênh kênh hở đảm nhiệm cả thoát nước và thoát nước thải sinh hoạt, lâu ngày dẫn đến tích tụ, hôi thối”, ông Danh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, trong khoảng 4 năm gần đây, TP Quảng Ngãi đầu tư nguồn lực để ngầm hóa một số tuyến kênh hở đi qua khu dân cư, đồng thời, yêu cầu các khu dân cư mới phải tách riêng hệ thống thoát nước và thoát nước thải sinh hoạt.

“Việc ngầm hóa kênh hở sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ. Nếu ngầm hóa hết tất cả kênh mương thì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thoát nước”, ông Danh chia sẻ.