Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Nỗ lực giải cứu cá Ông Chuông mắc cạn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi phát hiện cá Ông Chuông (một giống cá voi) bị mắc cạn, người dân và chính quyền xã Đức Minh đã nỗ lực đưa “Ông” trở về biển nhưng bất thành.

Cá Ông Chuông nặng gần 500kg, dài gần 4m, màu đen bóng.(Ảnh: Người Mộ Đức)

Chiều 17/2, ông Võ Minh Quang - Chủ tịch UBND xã Đức Minh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, người dân đang tiến hành giải cứu một cá Ông Chuông bị dạt vào bờ biển địa phương.

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, nhiều người dân ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh đã bất ngờ phát hiện một con cá rất lớn dạt vào bờ biển.

Ngư dân đi biển xác định đây là cá Ông Chuông trôi dạt vào bờ biển trong tình trạng còn sống, có nhiều vết thương và rất yếu. Cá Ông Chuông nặng gần 500kg, dài gần 4m, màu đen bóng.

Cùng với chính quyền địa phương, người dân đã nỗ lực đưa cá Ông Chuông ra lại biển, tuy nhiên vì sức quá yếu, cá Ông Chuông không thể bơi ra được biển và nhiều lần bị sóng đánh, dạt lại vào bờ. Đến 16h chiều cùng ngày, việc “giải cứu” vẫn chưa thành công.

Nhiều lần cá bị sóng đánh dạt lại bờ. (Ảnh: Người Mộ Đức)
Theo các nhà nghiên cứu, trong tâm thức của ngư dân vùng biển miền Trung và miền Nam Việt Nam, cá voi là một phúc thần của biển cả mà họ luôn tôn kính. Cá voi còn được dân gian thành kính gọi bằng nhiều danh xưng trang trọng khác như: Cá Ông, Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Nam Hải…, được các vua nhà Nguyễn sắc phong là Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thượng đẳng thần.
Do những đặc điểm trên mà cá voi ở những vùng này không bị giết hại, thậm chí ý thức bảo vệ cá voi còn được ngư dân nâng lên gần như là một khuôn phép mà đa phần những người làm nghề chài lưới đều phải tuân theo.