Trong hai ngày 13-14/3, vạn chài Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Qảng Ngãi) tổ chức lễ nghinh thần, rước thần về lăng tự cầu mùa và lễ hội đua thuyền truyền thống.
“Lễ hội này gắn với đời sống lao động, đánh bắt của người dân vùng biển. Đây là hoạt động được tổ chức theo thông lệ hàng năm, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, tôm cá đầy khoang. Thông qua lễ hội, làng làm nghề chài lưới còn gửi gắm đức tin, lòng biết ơn đối với vị thần Nam Hải”, ông Phạm Tiến (70 tuổi) - Chủ vạn Phước Thiện cho biết.
Lăng tự vạn Phước Thiện được xây từ thời vua Gia Long. Thời đó lăng được gọi là Tổng binh vạn vì nơi này từng có nhiều binh lính về đóng quân và đào giếng nước ngọt đầu tiên của làng. Về sau, người dân tập trung sinh sống đông đúc gọi là Phước Thiện. Hiện lăng vẫn lưu giữ xương Cá Ông (Cá Voi) và thờ 7 vị Cá Ông.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ trong lăng, ngư dân tập trung phía bờ biển chuẩn bị cho nghi thức cầu mùa trên biển gọi là “bơi cầu mùa”. Có 3 chiếc thuyền chủ đạo thực hiện nghi thức này gồm thuyền rồng, thuyền quy, thuyền phụng. Mỗi thuyền gồm 23 ngư dân và 1 trọng tài, đua mỗi hiệp hai vòng (4 lượt), khoảng cách cọc bông tiêu ước chừng 150m.
Theo quan niệm của người dân ở đây, nếu thuyền rồng thắng nghĩa là nghề khơi xa sẽ thịnh vượng, tôm cá đầy khoang. Nếu thuyền phụng thắng nghĩa là nghề trên bờ phát triển hơn. Năm nay, thuyền rồng về đích trước, ngư dân vui mừng đón mùa biển mới được mùa.
Tại lễ hội, vạn chài Phước Thiện còn phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức thi đấu bóng chuyền, kéo co, hát Bả trạo… tạo không khí vui tươi, gắn kết trong cộng đồng.
Hiện nay, các làng quê ven biển Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như lễ hội thờ cúng Cá Ông, lễ hội cầu ngư, đua thuyền… Những lễ hội này mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh được tổ chức đều đặn hằng năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngợi ca các bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc và thể hiện vươn tới khát vọng chân–thiện– mỹ.
Cha truyền con nối, dù làm ăn nơi xa, vào dịp này, những người đã được sinh ra và lớn lên ở làng chài ven biển vẫn tranh thủ trở về để tham gia lễ hội truyền thống của quê hương.