Khẩn trương hoàn thành các dự án chống sạt lở
Khu dân cư đồi Gu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) nằm lưng chừng ngọn đồi lớn, phía dưới là dòng sông Nước Nia. Đây là khu tái định cư gồm 35 hộ dân thuộc dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong. Mỗi lúc mưa lớn, nước ở đồi Gu sẽ tháo đổ xuống sông Nước Nia dẫn đến sạt lở. Vết trượt đất từ mép nhà dân xuống bờ sông khoảng 20-30m, chiều dài sạt lở khoảng 100m.
Công trình khắc phục sạt lở khu dân cư đồi Gu được triển khai xây dựng với mục đích hạn chế sạt lở trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân đang sinh sống tại đồi Gu. Dự án có vốn đầu tư 10 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư.
Do thời tiết tại huyện miền núi Sơn Hà những ngày này thường xuyên có mưa vào buổi chiều nên quá trình thi công gặp khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ công trình, an toàn trong mùa mưa lũ đang tới gần, đơn vị thi công đã huy động nhiều phương tiện, con người để thi công cả ngày lẫn đêm nhằm hoàn thành phần móng và thân kè, đảm bảo vượt lũ trước ngày 30/9 tới. Riêng phần tường chắn và mái taluy thì có thể thi công xuyên suốt trong mùa mưa.
Ông Đinh Văn Đức - một hộ dân ở khu dân cư đồi Gu bày tỏ: “Mỗi mùa mưa bão là chúng tôi không dám ngủ vì sợ sạt lở. Nếu không có kè thì không biết sẽ bị cuốn theo con nước lúc nào. Nay được Nhà nước xây dựng kè chống sạt lở, bà con rất vui, an tâm vì mùa mưa bão năm nay không còn lo sợ nữa”.
Kè chống sạt lở sông Phước Giang (đoạn qua xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) cũng đang được khẩn trương thi công. Đến nay, công trình đã hoàn thành kè và đang khẩn trương thi công tuyến đường bê tông trên kè để hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao.
Dự án này có vốn đầu tư 25 tỷ đồng, chiều dài tuyến 1.352m do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Công trình nhằm khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Phước Giang (đoạn qua thôn Kim Thành, xã Hành Dũng), đảm bảo tính mạng, tài sản cho 90 hộ dân và đảm bảo an toàn tuyến đường giao thông tỉnh lộ ĐT.628.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lê Quốc Đạt cho biết, năm 2022, Ban làm chủ đầu tư 4 công trình, dự án kè sông, kè biển. Đến nay, các công trình đã hoàn thành hạng mục vượt lũ, các nhà thầu cũng cam kết sẽ hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao công trình trước ngày 30/9/2022.
Vẫn còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 250 điểm, vùng sạt lở do mưa lũ. Sạt lở các bờ sông, bờ biển, cửa biển, khu dân cư luôn là nỗi lo của người dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi luôn chú trọng bố trí kinh phí để khắc phục các khu vực sạt lở, kiên cố hóa tuyến sông, bờ biển hình thành vành đai bảo vệ an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vị trí sạt lở nguy hiểm hoặc đặc biệt nguy hiểm cần được đầu tư các dự án, công trình để phục. Trong đó, khu vực bờ Bắc sông La Châu (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) bị sạt lở trong nhiều năm qua. Đặc biệt, qua những đợt lũ lớn, sau các cơn bão, diễn biến sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn, chiều dài sạt lở khoảng 0,75km, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 150 hộ dân và tuyến đường giao thông liên xã dọc theo bờ sông.
Đối chiếu với quy định của quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển được Thủ tướng Chính phủ thì điểm sạt lở này thuộc mức “Sạt lở đặc biệt nguy hiểm”. Hiện nay, huyện Tư Nghĩa đã bố trí 5 tỷ đồng để đầu tư kè chống sạt lở cho khoảng 350m, còn lại khoảng 400m huyện chưa có kinh phí để thực hiện.
Hoặc như đoạn sạt lở bờ sông Bàu Giang, đoạn hạ lưu cầu Bàu Ráng (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa), khu vực bờ Bắc sông Bàu Ráng (một chi lưu của sông Bàu Giang), đoạn hạ lưu cầu Bàu Ráng thuộc địa phận thôn Điện An 4, xã Nghĩa Thương bị sạt lở với chiều dài khoảng 0,5km; sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 5ha đất sản xuất nông nghiệp của Nhân dân và có nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng tuyến đường giao thông nội vùng phía trong khu vực sản xuất. Điểm sạt lở này thuộc mức “Sạt lở nguy hiểm”.
Trước mắt, UBND huyện Tư Nghĩa chỉ đạo UBND các xã theo dõi chủ động xử lý các đoạn sạt lở bờ sông, xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở. Đồng thời, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, trong đó, kè chống sạt lở bờ Bắc sông La Châu (đoạn qua thôn La Châu, xã Nghĩa Trung) đầu tư kè chống sạt lở đoạn bờ sông còn lại khoảng 400 m, kè kiên cố bằng bê tông và bê tông cốt thép, hỗ trợ vốn đầu tư bổ sung khoảng 5 tỷ đồng. Kè chống sạt lở bờ Bắc sông Bàu Ráng (thôn Điện An 4, xã Nghĩa Thương) đầu tư kè chống sạt lở chủ yếu bằng giải pháp kè mềm, xếp rọ đá, khoảng 500m, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ đồng.