Quảng Ngãi: Tìm giải pháp để học sinh trượt lớp 10 Lý Sơn không bỏ học

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì điều kiện địa lý đặc thù, kinh tế khó khăn và tâm lý e ngại của phụ huynh nên nhiều học sinh ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) - huyện đảo đặc biệt khó khăn - đã bỏ học khi thi trượt vào lớp 10.

Bỏ học vì thi trượt công lập

Năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi giao trường THPT Lý Sơn tuyển 249 học sinh vào lớp 10 hệ công lập. Đây cũng là năm đầu tiên huyện Lý Sơn tổ chức thi tuyển (các năm trước là xét tuyển) với kết quả toàn huyện có 310 học sinh dự thi, trong đó 61 học sinh thi trượt.

Điều khó khăn là huyện đảo Lý Sơn chỉ có 1 trường THPT, không có trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường dạy nghề. Do đó, 61 học sinh trượt kỳ thi vào lớp 10 đang gặp nhiều khó khăn. Nếu muốn học tiếp thì các em chỉ còn cách vào đất liền. Tuy nhiên, vì tuổi còn quá nhỏ, đa số phụ huynh không an tâm khi để con vào đất liền học tập.

Trường THPT Lý Sơn.
Trường THPT Lý Sơn.

Trước đó, năm 2021 - 2022, huyện Lý Sơn có 336 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 249 học sinh trúng tuyển vào 10, 87 học sinh không trúng tuyển. Năm học 2020 - 2021, có 60 học sinh thi trượt vào hệ công lập và chưa học nghề hoặc chưa học giáo dục thường xuyên. Đa số các em sau khi thi trượt lớp 10 vào trường THPT huyện Lý Sơn đều bỏ bọc, không vào đất liền để theo học các hệ đào tạo khác.

Theo ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, những năm trước, nếu thi trượt lớp 10 vào trường THPT Lý Sơn, một số học sinh sẽ đăng ký vào học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở huyện. Tuy nhiên, số lượng đăng ký học ở trung tâm này rất ít, nên trung tâm luôn trong tình trạng “khan hiếm” học sinh.

Do đó, trung tâm đi vào hoạt động năm 2013 thì đến 2019 thì phải giải thể vì không hiệu quả. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 15 học viên theo học hệ thường xuyên, riêng học nghề hầu như không có học sinh, vì tâm lý phụ huynh ở huyện đảo, thà để con bỏ học chứ không muốn cho con theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Tìm phương án khả thi

Trước thực trạng này, mới đây, UBND huyện Lý Sơn đã làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi và được thống nhất tăng thêm 15 - 20 chỉ tiêu cho trường THPT Lý Sơn, trên cơ sở xét điểm từ trên xuống đối với các em bị trượt trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua. Riêng số học sinh bị trượt còn lại, huyện có văn bản gửi Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm này đã thống nhất mở lớp hệ giáo dục thường xuyên ngay tại trường THPT Lý Sơn nếu các em học sinh có nhu cầu theo học.

Một khu vực trung tâm huyện đảo Lý Sơn.
Một khu vực trung tâm huyện đảo Lý Sơn.

“Phương án giảng dạy, học phí, do Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ngãi quy định. Riêng về học phí, huyện sẽ nghiên cứu hỗ trợ. Đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài huyện sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về vấn đề định hướng, phân luồng học sinh trong giáo dục. Nếu sức học yếu mà vẫn muốn con em mình được học hệ giáo dục phổ thông là bất hợp lý” - ông Lê Văn Ninh bày tỏ.

Bà Vũ Thị Liên Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, thì đến 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Chiếu theo quyết định này, huyện Lý Sơn có đặc thù đến đâu thì cũng không thể ngoại lệ. Cái khó ở đây là phụ huynh ở huyện Lý Sơn chỉ muốn con em mình được theo học hệ công lập, chứ không mặn mà với các hệ đào tạo khác, dẫn đến nhiều học sinh ở đảo sau khi không thi đỗ vào trường THPT ở Lý Sơn đã bỏ học.

“Năm nay, trường THPT Lý Sơn đề xuất Sở GD&ĐT tổ chức thi chứ không xét tuyển như mọi năm, và được Sở thống nhất và tạo điều kiện hết mức với tỷ lệ đỗ và trượt 72/28. Nghĩa là có 72% học sinh sẽ trúng tuyển vào hệ công lập, còn 28% học sinh thi trượt sẽ học ở các hệ khác. Vì là huyện đảo, nên Sở đã tạo điều kiện hết mức cho Lý Sơn, vì theo quy định, tỷ lệ này phải 70/30” - bà Vũ Thị Liên Hương lý giải.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, trước đây, khi nắm thông tin huyện Lý Sơn có chủ trương giải thể Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở đã từng “cảnh báo” số học sinh thi trượt vào trường THPT Lý Sơn sẽ không thể tiếp tục theo học ở huyện. Hiện toàn tỉnh chỉ có 5 trung tâm giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ngãi và các huyện Đức Phổ, Ba Tơ, Mộ Đức, Bình Sơn.

Lý Sơn có hơn 22.000 dân, cách đất liền gần 15 hải lý, ra - vào đảo phải sử dụng tàu cao tốc với thời gian từ 30 - 45 phút. Hồi tháng 3/2022, huyện đảo Lý Sơn được Chính phủ quyết định phê duyệt vào xã ven biển, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.