Chùa Trúc Lâm tại đảo Trần được phê duyệt quy hoạch xây mới trong khuôn viên 2,89 ha, với 22 công trình chính và phụ trợ theo kiến trúc cổ thời Trần, gồm các phân khu chức năng như: Nhà Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, lầu chuông, lầu khánh, đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng thời Trần...
Toàn bộ hạng mục công trình được làm bằng chất liệu gỗ lim, đá, gạch nung để chịu được tác động của khí hậu biển, của gió, bảo đảm kỹ, mỹ thuật và sự bền vững với thiên nhiên. Phần lớn được thi công trong đất liền rồi vận chuyển bằng tàu thủy ra đảo.
Trong đó, khu đền Trần được bố trí dưới chân núi trên khu đất có kích thước 20x43,5m. Hướng chính của công trình là hướng Tây Bắc. Khu chùa Trúc lâm được bố trí trên sườn núi, trục hướng Đông Bắc. Hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông kết nối giữa các khu được thiết kế bám theo độ dốc của đồi; sân nội bộ, bậc lên xuống lát đá.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Lịch cho biết: “Việc xây dựng một công trình tâm linh trên đảo không chỉ đáp ứng khát vọng về tín ngưỡng, điểm tựa tinh thần để người dân an tâm bám, giữ biển mà cao hơn chúng ta đã đặt một cột mốc tâm linh nơi biên hải thiêng liêng của Tổ quốc như một thời Đông A hào khí.
Thực tế đã cho thấy, các công trình tâm linh trên dọc dài biên hải đã phát huy "sức mạnh mềm" trong quá trình đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc. Chúng ta đã thành công trong phong trào “góp đá xây Trường Sa" của vùng biển phía Nam thì chúng ta cũng hy vọng làm được việc tương tự ở Trường Sa vùng biển Đông Bắc”.
Ông Nguyễn Đăng Kiên - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực vào cuộc, triển khai các nội dung công việc của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng như cá nhân Thượng tọa Thích Thanh Lịch - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên thời gian qua.
“Hữu duyên giữa thế đất và lòng dân, nơi đây hội tụ đủ yếu tố để tạo dựng những cơ sở vững chắc không chỉ cho tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là một điểm nhấn trong bức tranh du lịch đặc sắc của du khách mỗi khi đến với tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Cô Tô nói riêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân nơi đảo xa.
Với ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp đó tôi cũng đề nghị ngoài phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo còn phải đảm bảo là công trình có kiến trúc hài hòa, sử dụng vật liệu thuần Việt với những họa tiết trang trí mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, thể hiện nét văn hóa với cốt lõi tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Đăng Kiên lưu ý.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Ngày hôm nay chúng ta hướng ra biển Đông để xây dựng một công trình tín ngưỡng nhưng cũng có thể nói đây là một công trình bảo vệ chủ quyền của đất nước. Việc làm này hết sức có ý nghĩa! Trên mảnh đất dày đặc những chiến công của nhiều thế hệ nhân dân Quảng Ninh, ngày nay chúng ta sẽ tiếp tục làm công việc mà xưa kia ông cha ta đã làm là bảo vệ chủ quyền, biên giới Quốc gia”.