Tại phiên thảo luận Các ứng dụng và giải pháp cho thành phố thông minh hôm 18/9, ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông tỉnh Quảng Ninh khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Theo đó, chính quyền Quảng Ninh xác định việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dành cho các thành phố đã phát triển mà dành cho tất cả các tỉnh, địa phương với những giải pháp độc đáo riêng để áp dụng CNTT vào phát triển.
Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở Thông tin& Truyền thông tỉnh Quảng Ninh |
Về phía Quảng Ninh, trong thời đại đô thị hóa, gần 60% dân số của tỉnh đang thí điểm xây dựng khu Kinh tế- Hành chính đặc biệt Vân đồn. Với vị trí địa lý đặc biệt, Quảng Ninh cũng là một trong những cửa ngõ để Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Được triển khai từ năm 2012 tới nay, đề án chính quyền điện tử của Quảng Ninh đã thu được nhiều kết quả.
Về cơ sở hạ tầng, 100% cán bộ, công chức, viên chức có trang thiết bị đầu cuối phục vụ công việc, 100% các cơ quan từ cấp xã trở lên có mạng LAN, WAN và Internet. Về phần mềm ứng dụng, 564 đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; 224 đơn vị sử dụng hệ thống một cửa… Tỉnh cũng triển khai 15 trung tâm hành chính công, cổng thông tin điện tử duy nhất cùng các cổng tổng hợp, cổng du lịch, cổng doanh nghiệp và 221 Cổng thông tin thành phần của các quan nhà nước từ tỉnh đến xã.
Cũng theo ông Đinh Sỹ Nguyên, Quảng Ninh là 1 trong 2 tỉnh/thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện liên thông 4 cấp với trên 95% văn bản sử dụng chữ ký số để trao đổi hoàn toàn trên hệ thống, giúp tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm.
Trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh chọn 8 lĩnh vực: chính quyền điện tử, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, tài nguyên và môi trường, xây dựng thông minh làm trọng tâm trong đề án xây dựng thành phố thông minh.