Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Trị: Cần ngăn chặn tình trạng “chảy máu” khoáng sản

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng nghìn khối đá mồ côi chỉ cần nộp vài chục triệu đồng đã dễ dàng thu gom. Lợi dụng việc này, các đầu nậu, doanh nghiệp tập kết đá rồi bán với giá cao. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn loay hoay xử lý.

Quảng Trị: Cần ngăn chặn tình trạng "chảy máu" khoáng sản

Khai thác dưới hình thức thu gom

Giữa cái nắng chói chang, nằm giữa khoảnh vườn cao su tại địa bàn xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là đại công trường khai thác đá với những đống đá ngổn ngang khắp nơi. Chiếc máy xúc hoạt động hết công suất để đưa những viên đá bazan (người dân nơi đây gọi là đá mồ côi) lên kín những chiếc thùng xe tải đưa đi nơi khác tiêu thụ.

Chỉ nộp 1,2 triệu đồng tiền thuế tài nguyên và 750.000 đồng phí bảo vệ môi trường, 1 cá nhân được phép thu gom số lượng đá lớn. Dù đã hết thời gian thu gom nhưng chính quyền xã vẫn lúng túng xử lý.
Chỉ nộp 1,2 triệu đồng tiền thuế tài nguyên và 750.000 đồng phí bảo vệ môi trường, 1 cá nhân được phép thu gom số lượng đá lớn. Dù đã hết thời gian thu gom nhưng chính quyền xã vẫn lúng túng xử lý.

Nằm trong khu vực rộng hàng nghìn m2, những bãi đá được đào dưới tầng đất lên tập kết thành đống lớn. Ước tính có hàng trăm m3 đá tại đây. Theo chân chiếc xe tải BKS 74C-098.42, sau khi chất đầy đá, chiếc xe ì ạch vì quá tải hướng ra tuyến đường Hồ Chí Minh rồi lưu thông về huyện Cam Lộ.

Tại khu vực đang thi công kè Cam Hiếu (ngay sát chân cầu Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), chiếc xe nhanh chóng đổ toàn bộ số đá vừa mới được khai thác xuống khu vực đang thi công chân kè.

Sau khi bốc lên từ bãi khai thác, số đá này được vận chuyển để phục vụ thi công kè chống sát lở bờ sông Hiếu (đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Sau khi bốc lên từ bãi khai thác, số đá này được vận chuyển để phục vụ thi công kè chống sát lở bờ sông Hiếu (đoạn qua xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đoán, Chủ tịch UBND xã Hải Thái cho biết, khu vực khai thác đá trên được UBND huyện Gio Linh có văn bản số 1299/UBND-TN ngày 20/9/2022 do Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Hòa ban hành về việc  xác nhận đăng ký thu gom, vận chuyển đá bazan của hộ ông Nguyễn Xuân Phước.

Việc xác nhận khối lượng để thu tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chủ yếu do cá nhân, tổ chức đứng ra thu gom kê khai. 
Việc xác nhận khối lượng để thu tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chủ yếu do cá nhân, tổ chức đứng ra thu gom kê khai. 

Trong đó, UBND huyện Gio Linh xác nhận cho việc ông Nguyễn Xuân Phước (trú tại xã Gio An) đăng ký thu gom, vận chuyển đá bazan dự kiến khoảng 150m3 tại thửa đất số 291, tờ bản đồ số 10 của xã Hải Thái với diện tích 3.878m2. Thời hạn thu gom là trong 30 ngày.

Dù việc thu gom này đã hết hạn nhưng UBND xã Hải Thái vẫn lúng túng trong việc kiểm tra, giám sát khối lượng đá khi cho rằng chỉ nắm trên giấy tờ. Thậm chí, khi phóng viên đề cập việc cá nhân khai thác đá đã hoàn thành việc nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hay chưa, ông Hoàng Đán mới vội vàng gọi điện cơ quan thuế để xác minh.

Một bãi tập kết đá "khủng" sát đường Hồ Chí Minh được 1 cá nhân thu gom từ các vườn nhà người dân về.
Một bãi tập kết đá "khủng" sát đường Hồ Chí Minh được 1 cá nhân thu gom từ các vườn nhà người dân về.

Đây có lẽ là thực trạng chung về tình hình khai thác loại đá mồ côi này trên địa bàn huyện Gio Linh trong suốt thời gian qua dưới danh nghĩa thu gom. Bởi chỉ cần cá nhân, đơn vị đăng ký khối lượng, địa điểm tập kết với UBND huyện Gio Linh cũng như thực hiện việc nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… sẽ được đồng ý cho thu gom.

Từ đây, số đá bazan này sẽ được bán đi các cơ sở chế biến đá chẻ, đá ốp lát hoặc xây dựng kè bờ sông, bờ biển.
Từ đây, số đá bazan này sẽ được bán đi các cơ sở chế biến đá chẻ, đá ốp lát hoặc xây dựng kè bờ sông, bờ biển.

Bằng cách này, các cá nhân, đơn vị đã tiến hành mua, thu gom đá rồi chế biến thành các loại vật liệu xây dựng thông thường, đá làm chân kè bờ sông, bờ biển thậm chí đá bazan sử dụng làm vật liệu ốp lát… rồi tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 64 và Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 thì thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh Quảng Trị.

Thất thoát lớn nguồn ngân sách

Dọc theo các tuyến tỉnh lộ 74, 75, 76 ở những xã phía Tây huyện Gio Linh là cảnh tượng hàng trăm, hàng nghìn bãi đá chất ngổn ngang 2 bên đường đến trong vườn nhà dân. Bãi thì chỉ vài chục m3, bãi lên đến cả nghìn m3. Và không ít những chiếc xe tải tháo cả bửng che chắn phía sau chở hàng tấn đá lao nhanh trên đường đi tiêu thụ.

Một đại công xưởng chế biến đá tại xã Gio Sơn, huyện Gio Linh với hàng nghìn m3 đá chất từ ngoài đường vào bên trong các khu vườn. 
Một đại công xưởng chế biến đá tại xã Gio Sơn, huyện Gio Linh với hàng nghìn m3 đá chất từ ngoài đường vào bên trong các khu vườn. 

Ông T., một đơn vị khai thác, chế biến và mua bán đá bazan lâu năm ở huyện Gio Linh cho biết, việc khai thác đá trên địa bàn khá đơn giản. Do loại đá mồ côi nằm rải rác, không hình thành mỏ nên chỉ cần kê khai số lượng rồi nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, sau đó huyện sẽ cho phép thu gom.

“Số lượng đá thì mình kê khai thôi. Lời ăn, lỗ chịu bởi có lúc đào lên không có đá. Nếu được nhiều thì mình lời thêm khúc nữa, đá nằm dưới đất mà. Mấy năm trước làm nhiều nhưng giờ đá cũng đang cạn kiệt dần rồi”, ông T. nói.

Đá được bán nguyên viên hoặc chẻ ra trở thành các loại vật liệu xây dựng thông thường tiêu thụ ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh Quảng Trị.
Đá được bán nguyên viên hoặc chẻ ra trở thành các loại vật liệu xây dựng thông thường tiêu thụ ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh Quảng Trị.

Theo thống kê của Phòng TN&MT huyện Gio Linh, trong năm 2022, trên địa bàn toàn huyện 14 trường hợp thu gom đá bazan có đăng ký với huyện. Tổng khối lượng đá thu gom là hơn 2.600m3.

 

Mới đây, ngày 17/4/2023, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa đã ban hành văn bản số 60/KH-UBND Kế hoạch triển khai công tác thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Trong đó, có nội dung: rà soát lại nguồn khai thác tài nguyên tận thu trên địa bàn toàn huyện, nắm bắt kịp thời đối tượng mua, bán tài nguyên tận thu (đá mồ côi) để kịp thời yêu cầu kê khai nộp đầy đủ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Đối với các trường hợp khai thác trước thời điểm kiểm tra, nếu phát hiện chưa kê khai và nộp thuế thì tiến hành truy thu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Và để được phép thu gom hơn 2.600m3 đá bazan này, các cá nhân, doanh nghiệp chỉ phải đóng hơn 21 triệu đồng tiền thuế tài nguyên và hơn 13 triệu tiền phí bảo vệ môi trường. Trong khi đó, hiện giá thị trường mà các chủ mỏ đá bán ra cao gấp nhiều lần so với nguồn thuế mà cơ quan nhà nước thu được.

Riêng trường hợp hộ ông Nguyễn Xuân Phước, để được thu gom, khai thác 150m3 đá mồ côi, ông này cũng chỉ nộp 1,2 triệu thuế tài nguyên và 750.000 đồng phí bảo vệ môi trường.

Theo tuyến tỉnh lộ 74, chúng tôi tiếp cận những bãi đá khủng luôn mua bán tấp nập. Chỉ tính riêng tại địa bàn xã Gio Sơn, huyện Gio Linh có đến 3 bãi đá “khủng” của ông Tr., H. và Đ. với hàng nghìn m3 đá tập kết ngay dọc ven đường.

Viên đá được Tr., chủ bãi đá tại xã Gio Sơn rao bán với giá 100 triệu đồng.
Viên đá được Tr., chủ bãi đá tại xã Gio Sơn rao bán với giá 100 triệu đồng.

Ở đây, đủ loại đá được chào bán, từ đá chẻ thành từng viên, đá nguyên viên hoặc đá đổ kè, xây móng, tường rào… Ông H.  (chủ 1 bãi đá tại Gio Sơn) cho biết: Mỗi khối đá mồ côi (loại chưa chẻ) rẻ nhất là 250.000 đồng/m3, loại to hơn là 400.000 đồng/m3 tại bãi. Riêng đối với viên to sẽ bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu.

Còn Tr., chủ 1 bãi đá gần đó đầu tư hẳn 1 nhà máy chế biến, những viên đá bazan được xẻ thành từng sản phẩm khác, như: đá xây lăng mộ, tường rào, ốp lát… bán với giá thành cao. Thậm chí, Tr., còn rao bán viên đá “khủng” nặng 7-10 tấn với giá 100 triệu đồng/viên.

Bãi đá của Tr., nơi chế biến đủ loại đá từ đá ốp lát, đá xây dựng tường rào đến đá kè bờ sông, bờ biển.
Bãi đá của Tr., nơi chế biến đủ loại đá từ đá ốp lát, đá xây dựng tường rào đến đá kè bờ sông, bờ biển.

Tr. còn cho biết, đá bán cho nhiều nơi, từ khu du lịch trong Thừa Thiên Huế đến thi công kè chống sạt lở, kể cả đại gia S. ở Quảng Bình cũng vào đây mua đá.

Điều đó cho thấy rằng, nguồn lợi từ việc mua bán đá bazan trên địa bàn huyện Gio Linh rất lớn.

Trước tình trạng trên, vào cuối năm 2022, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản số 4809/STNMT-KS về việc tăng cường quản lý, khai thác, chế biến đá mồ côi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sở TN&MT nêu rõ: Thực tế cho thấy, người dân đã và đang khai thác đá mồ côi để bán cho các cơ sở chế biến đá ốp lát, đá chẻ dùng cho xây dựng hoặc bán nguyên viên để thi công các công trình như kè bờ sông, trang trí các khu du lịch- nghỉ dưỡng.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho rằng với việc thu gom, khai thác, mua bán đá mồ côi như hiện nay đang làm thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên, có thể thất thu thuế và các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho rằng với việc thu gom, khai thác, mua bán đá mồ côi như hiện nay đang làm thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên, có thể thất thu thuế và các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Tình trạng này làm thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên, có thể thất thu thuế, gây nguy cơ sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến các công trình và đặc biệt là việc khai thác trái phép, vi phạm các quy định pháp luật.

Sở TN&MT cũng khẳng định các tổ chức, cá nhân có thể khai thác tận thu đá mồ côi nằm rải  rác trong vườn nhà, trang trại, vườn đồi…Tuy nhiên, cần phải lập hồ sơ và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Khoảng sản năm 2010 và pháp luật liên quan.