Quảng Trị: Độc đáo lễ hội chợ đình Bích La

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Không ai biết bắt đầu từ bao giờ, phiên chợ đình Bích La chỉ nhóm họp một lần duy nhất trong năm. Mọi người đến đây không chỉ cầu tài, cầu lộc, cầu an đầu năm mới mà còn để đắm mình trong phiên chợ quê của ký ức tuổi thơ mộc mạc, thân thương.

Thần Kim Quy của làng

Từ nửa đêm ngày mồng 2 Tết Nguyên đán, từng dòng người đổ về chợ đình Bích La (thôn Bích La, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để gặp nhau ở phiên chợ một năm chỉ họp một lần duy nhất. Đối với dân làng Bích La, như thành truyền thống, người dân tập trung tại hồ nước trước đình làng chờ xem tái hiện lại “thần Kim Quy” hiển linh.

Phía trước miếu thờ và đình làng Bích La là hồ nước tương truyền nơi hiển linh của thần Kim Quy.
Phía trước miếu thờ và đình làng Bích La là hồ nước tương truyền nơi hiển linh của thần Kim Quy.

Tương truyền, từ thuở dựng làng, các bậc tiền nhân đã chọn thế đất “Địa chung linh khí truyền thiên cổ. Thế xuất anh tài vạn ức niên”. Và đình làng Bích La cùng miếu thờ được xây dựng thờ cúng các vị thần hoàng, thần sông, núi, sấm sét, dân an, vật lợi… và hai vị tiến sĩ đầu tiên của làng Bích La là Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên. Phía trước đình có hồ nước trong xanh và trú ngụ của một con rùa vàng.

Miếu thờ làng Bích La là nơi linh thiêng và điểm đến cầu mong mọi điều tốt đẹp của người dân làng Bích La, du khách thập phương.
Miếu thờ làng Bích La là nơi linh thiêng và điểm đến cầu mong mọi điều tốt đẹp của người dân làng Bích La, du khách thập phương.

Vào mồng 3 Tết Nguyên đán, dân làng Bích La lại tập trung về đình làng để tham gia cúng bái, tế lễ, ngưỡng vọng về các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã có công với làng, với nước. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống.

Trước thời khắc giao hòa của trời đất, dân làng Bích La cùng cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh. Cùng lúc đó, rùa vàng – thần Kim Quy lại nổi lên mặt nước để chứng giám cho những lời ước nguyện của dân làng.

Các bậc bô lão làm lễ  cầu thần Kim Quy cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Các bậc bô lão làm lễ  cầu thần Kim Quy cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Thế nhưng, vào một năm, chờ cả ngày không thấy thần Kim Quy hiển linh, những bậc cao niên lo lắng khi biết rằng năm đó dân làng Bích La gặp vận hạn. Quả nhiên, năm đó, thiên tai khiến dân làng mùa màng thất bát, ốm đau bệnh tật triền miên.

Để thỉnh được rùa vàng, các cụ cao niên trong làng đã tổ chức cho dân làng khi dâng hương ở đình làng vào rạng sáng mồng 3 Tết Nguyên đán, mọi người sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Các vị bô lão, chức sắc trong làng đốt đuốc và cùng dân làng tập trung, khấn nguyện thỉnh ngày hiển linh ban mọi điều tốt lành cho dân làng.

Tái hiện thần Kim Quy hiển linh để chứng giám những lời ước nguyện của dân làng.
Tái hiện thần Kim Quy hiển linh để chứng giám những lời ước nguyện của dân làng.

Từ đó, thành thông lệ và cũng là phần nghi lễ không thể thiếu của người dân làng Bích La vào dịp đầu năm. Để rồi, từ đó người dân làng Bích La lại hội tụ về đình làng dâng hương, khấn lễ, cầu mong một năm an lành và sung túc… hình thành nên một ngày lễ, ngày hội truyền thống đặc sắc của người làng Bích La nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Ông Lê Cảnh Phong, trưởng thôn Bích La Đông chia sẻ: Không ai biết phiên chợ đình Bích La có tự bao giờ, nhưng ngôi làng đã gần 500 năm tuổi. Trước đây vào ngày mồng 3, các vị bô lão, cao niên ở Bích La ngũ giáp (Nam, Đông, Trung, Thượng, Hậu) thường tập trung cúng lễ tại đình làng. Miếu đình – chợ đình Bích La đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố vào năm 1996.

Người dân, du khách hào hứng khi xem lễ cúng thần Kim Quy.
Người dân, du khách hào hứng khi xem lễ cúng thần Kim Quy.

“5 thế kỷ qua, người Bích La luôn luôn tự hào nơi đây là cái nôi xuất phát hiền tài, giúp ích quốc gia xã hội, được lưu danh sử sách, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, hay họa sĩ tài danh Lê Bá Đảng. Người dân Bích La luôn dặn con cháu luôn giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống quý giá này”, ông Cảnh bày tỏ.

Lộc đầu năm là hương vị quê nhà

Sau những lễ cúng các vị thần bảo hộ của làng vẫn được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian và cuối cùng là không thể thiếu là phiên chợ cầu may đầu năm. Phiên chợ kéo dài từ tối ngày mồng 2 và đến sáng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán.

Người dân làng Bích La vui cười bán những "nhánh chè lộc" đầu năm mới.
Người dân làng Bích La vui cười bán những "nhánh chè lộc" đầu năm mới.

Không chen lấn, xô đẩy và náo nhiệt như cảnh xin lộc đầu năm ở các nơi, không gian chợ đình Bích La là tiếng cười nói, hàn huyên, tiếng… Giữa thời khắc của ngày và đêm cũng là lúc chợ phiên Bích La nhóm họp, giữa không khí Tết quê ấm cúng, không chỉ người dân Bích La mà du khách thập phương cũng về đây đi chợ và dâng hương cầu an, cầu lộc.

Người mua cũng vui vẻ bởi mua được "nhánh lộc "đẹp báo hiệu của một năm sung túc, an lành.
Người mua cũng vui vẻ bởi mua được "nhánh lộc "đẹp báo hiệu của một năm sung túc, an lành.

Giữa chốn chợ quê và thanh bình của mái đình làng, người đến chợ cốt yếu để cầu lộc, cầu phúc cho dòng họ, gia đình, bản thân. Phiên chợ còn là nơi để điểm mà những người lâu ngày gặp lại, chúc nhau những lời may mắn đầu năm, là trai gái hẹn hò, giao duyên nên nghĩa vợ chồng.

Những sản vật, nông sản từ mảnh đất và bàn tay của người làng Bích La chăm sóc, làm ra.
Những sản vật, nông sản từ mảnh đất và bàn tay của người làng Bích La chăm sóc, làm ra.

Phần không thể thiếu là mua, bán lộc của phiên chợ. “Lộc” ở đây là những sản vật đơn sơ, giản dị mà người Bích La làm lụng, chắt chiu cả năm và để dành lại sản phẩm tốt nhất, tinh tuy nhất cho đêm chợ này. “Lộc” là nhánh chè xanh, là quả cau, miếng trầu, là muối, gạo… từ chính mảnh đất và bàn tay của người làng Bích La chăm sóc, làm ra.

Phiên chợ còn là nơi gặp gỡ của bạn bè, của những đứa con lâu ngày xa quê.
Phiên chợ còn là nơi gặp gỡ của bạn bè, của những đứa con lâu ngày xa quê.

Người đi chợ đình Bích La cốt không bán kiếm lời mà chỉ mong muốn người mua được mua rẻ, mua may và người mua cũng mong muốn chút lộc đầu năm mới với một năm thuận buồm xuôi gió. Những “cành lộc” đó được người mua mang về đặt lên nơi trang trọng trong nhà hoặc trở thành quà biếu đầy ý nghĩa tinh thần đầu năm mới cho bạn bè, người thân.

Dù thời tiết năm nay mưa lạnh nhưng đình làng Bích La vẫn ấm áp của những ngày đầu xuân, của những người đội mưa gió đến với phiên chợ, để gặp gỡ, để chuyện trò và dâng nén hương lòng thành lên  các bậc tiên tổ. Và để những người dân Việt Nam ở bất cứ nơi nào đến đây đều cảm nhận về một vùng quê yên bình và mến khách.