Quảng Trị: Lũ bất thường, vụ lúa của huyện Hải Lăng nguy cơ “xóa sổ”

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị nhưng chỉ qua đợt lũ lần này, hầu hết toàn bộ diện tích huyện Hải Lăng mất trắng. Theo người dân, đây là đợt mưa lũ bất thường lịch sử trong gần thế kỷ qua.

Mưa lũ nhấn chìm hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Thiệt hại nghiêm trọng

Từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, mưa to, gió mạnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khiến hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu bị nước lũ nhấn chìm, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập nước khiến giao thông bị gián đoạn. Tại nhiều khu dân cư vùng trũng đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn.

Thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Trị tính đến sáng 2/4, đã có 2 nhà ở bị tốc mái hoàn toàn, hơn 8.400ha lúa (trong tổng số 21.550ha vụ Đông Xuân) và trên 2.600ha hoa màu các loại bị ngập úng, ngã đổ. Con số này vẫn có thể còn tăng lên khi nhiều địa phương chưa thống kết hết thiệt hại cũng như vẫn còn xuất hiện các cơn mưa tại khu vực phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Đợt mưa lũ bất thường đã gây ngập úng, ngã đổ hơn 8.400ha lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đợt mưa lũ bất thường đã gây ngập úng, ngã đổ hơn 8.400ha lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nghiêm trọng ở các địa phương: Huyện Hải Lăng: 115ha, huyện Triệu Phong 10 lồng cá và 11ha, huyện Gio Linh 16.500 con cá và thị xã Quảng Trị 56ha;

Đặc biệt, tại các xã thuộc huyện Hải Lăng, đến trưa 2/4, nước lũ vẫn phủ trắng đồng. Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Diên Sanh đến xã Hải Quế chỉ vài ngày trước là cánh đồng cả nghìn héc-ta lúa xanh mơn mởn của bà con. Thế nhưng, giờ đây là cả biển nước mênh mông.

Đa phần diện tích lúa đang ôm đòng, trổ bông có nguy cơ mất trắng khi bị ngâm dưới nước lũ  trong 2 ngày qua.
Đa phần diện tích lúa đang ôm đòng, trổ bông có nguy cơ mất trắng khi bị ngâm dưới nước lũ  trong 2 ngày qua.

Bên vệ đường những thân lúa bị gãy nát bị nước, gió đẩy vào thành từng đống. Anh Võ Văn An (xã Hải Định, huyện Hải Lăng) buồn bã chỉ tay về đám ruộng giờ nằm sâu dưới nước nói: “Bao nhiêu công sức của vụ lúa năm nay giờ coi như mất trắng. Lúa đang thời kỳ ra đòng, trổ bông nhưng ngâm nước 2 ngày qua thì coi như vứt bỏ rồi. Cùng lắm cắt về cho trâu, bò ăn thôi”.

Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Diên Sanh về xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) giờ là biển nước mênh mông và những thân lúa bị gió đánh lên vệ đường.
Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Diên Sanh về xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) giờ là biển nước mênh mông và những thân lúa bị gió đánh lên vệ đường.

Dọc theo dòng sông Ô Lâu, các xã phía Đông Nam của huyện Hải Lăng được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị khi chiếm gần 1/3 tổng diện tích lúa toàn tỉnh với 6.800ha. Thế nhưng, theo thống kê đến trưa ngày 2/4, đã có gần 6.400ha lúa và 1.500ha cây trồng các loại bị ngập úng, ngã đổ. Chiếm số lượng thiệt hại nhiều nhất của tỉnh Quảng Trị.

Ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Không chỉ thiệt hại về hoa màu, ngập lụt đã xảy ra tại nhiều khu dân cư, địa phương đang khẩn trương di dân lên các vùng cao, an toàn. Đây được xem là đợt mưa lũ bất thường lịch sử trong nhiều năm qua trên địa bàn.

Gần 6.400ha/6.800ha lúa vụ Đông Xuân của huyện Hải Lăng giờ chìm sâu dưới nước hoặc bị hư hại.
Gần 6.400ha/6.800ha lúa vụ Đông Xuân của huyện Hải Lăng giờ chìm sâu dưới nước hoặc bị hư hại.

Tại xã Hải Phong, nước lũ đã tràn qua toàn bộ đê bao của xã, cả nghìn héc-ta lúa của xã này cũng đã ngập sâu trong nước từ 2 ngày qua. Nguy cơ mất trắng vụ mùa khiến người dân điêu đứng.

Anh Nguyễn Đức Thông (xã Hải Phong, huyện Hải Lăng) than thở: "Năm nay gia đình làm 2 mẫu (tương đương 1ha), với chi phí 30 triệu đồng tiền giống, nhân công, phân bón. Chỉ chờ 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng ông (trời) hành cho kiểu này, dân coi như mất trắng rồi. Giờ lúa chìm sâu dưới nước thì không có cách nào cứu vãn được nữa".

Dầm mưa lạnh cứu lúa

Nhằm cứu vãn những diện tích lúa chưa bị ngập úng, chính quyền huyện Hải Lăng đã huy động người dân cùng các phương tiện máy móc nâng cao mặt các đê quây. Xuyên suốt từ ngày 1/4 đến ngày 2/4, người dân cùng chính quyền các xã dầm mưa lạnh để cứu các diện tích lúa còn lại.

Người dân cùng chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng sử dụng các loại bao cát thô sở để ngăn chặn dòng nước lũ nhằm cứu các diện tích lúa còn lại.
Người dân cùng chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng sử dụng các loại bao cát thô sở để ngăn chặn dòng nước lũ nhằm cứu các diện tích lúa còn lại.

Tại tuyến đê quây che chắn cho cánh đồng lúa bên trong, cả trăm người dân từ đàn ông, thanh niên đến phụ nữ đang liên tục sử dụng các bao cát đắp lên nhằm ngăn chặn nước lũ tràn vào đồng.

Ông Hoàng Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: Suốt ngày 1/4 đến hôm nay, xã đã huy động các loại máy móc, cán bộ xã và người dân để nâng cao mặt đê quây bảo vệ cánh đồng lúa bên trong này. Cả đêm anh em đều túc trực nhưng nước lên nhanh khiến việc cứu lúa gặp nhiều khó khăn.

Chính quyền và người dân xã Hải Dương, huyện Hải Lăng nỗ lực đắp thêm các bao cát trên đê quây nhằm cứu diện tích lúa phía bên trong nhưng dòng nước vẫn tiếp tục dâng cao.
Chính quyền và người dân xã Hải Dương, huyện Hải Lăng nỗ lực đắp thêm các bao cát trên đê quây nhằm cứu diện tích lúa phía bên trong nhưng dòng nước vẫn tiếp tục dâng cao.

Bên chân đê, hàng chục người dân cùng cán bộ xã đứng run run bởi gió lạnh và từng cơn mưa tạt vào mặt. Họ ăn vội ổ bánh mỳ rồi tiếp tục mang các bao cắt nhằm ngăn chặn dòng nước dữ. Thế nhưng, nỗ lực của họ vẫn không được đền đáp khi mực nước tiếp tục dâng cao và nhanh chóng tràn qua các đoạn đê khác.

“Giờ toàn bộ 873ha lúa của xã và 100ha hoa màu khác coi như mất trắng rồi. Nước ngập kiểu này và còn tiếp tục mưa nữa khiến chúng tôi cũng bó tay thôi” - ông Hoàng Cảnh cho biết thêm.

Ở một số điểm, người dân phải sử dụng các loại ghe, thuyền để chở vật liệu đắp thêm lên để quây ngăn dùng nước lũ vào các ruộng lúa.
Ở một số điểm, người dân phải sử dụng các loại ghe, thuyền để chở vật liệu đắp thêm lên để quây ngăn dùng nước lũ vào các ruộng lúa.

Lão nông Nguyễn Đính (thôn An Nhơn, xã Hải Dương) đã hơn 60 tuổi cũng xông pha nơi tuyến đê này. “Ai mệt quá thì vào nghỉ rồi người khác ra thay. Giờ bà con nỗ lực cứu được bao nhiêu cứu. Chứ ở nhà cũng sốt ruột lắm…còn da lông mọc, còn chồi nảy cây, chú ơi!”. Nói rồi, ông vội rít điếu thuốc và tiếp tục đưa các bao cát để đắp lên phần đê.

Đợt mưa lũ bất thường đã khiến gần hết diện tích lúa vụ Đông Xuân của nông dân thuộc các xã của huyện Hải Lăng chìm sâu dưới nước.
Đợt mưa lũ bất thường đã khiến gần hết diện tích lúa vụ Đông Xuân của nông dân thuộc các xã của huyện Hải Lăng chìm sâu dưới nước.

Theo người dân, đợt lũ bất thường này có lẽ trong vòng gần 100 năm qua chưa hề xảy ra tại vùng lúa này. Với đợt lũ bất thường này, vùng lúa Hải Lăng đã thiệt hại nghiêm trọng khi hầu hết diện tích lúa bị mất trắng.

Theo người dân sinh sống bao đời tại vùng lúa Hải Lăng thì đợt lũ bất thường này chưa hề xảy ra trong gần 1 thế kỷ qua.
Theo người dân sinh sống bao đời tại vùng lúa Hải Lăng thì đợt lũ bất thường này chưa hề xảy ra trong gần 1 thế kỷ qua.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra các khu vực ngập lụt hoặc có nguy cơ ngập lụt, gây mất an toàn cho người, tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, tiến hành thống kê các thiệt hại ban đầu” - ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng nhấn mạnh.