Ngày 1/4, mưa lớn và gió mạnh đã khiến 1 cây phượng cổ thụ trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bật gốc đè trúng 2 ô tô và 1 xe máy khiến các phương tiện bị hư hỏng. Rất may không có thiệt hại về người.
Mưa lớn cũng đã khiến sạt lở tại Km54+190 đến Km 54+455 Quốc lộ 9. Đất đá từ mái taluy dương sạt lở xuống chắn ngang, thu hẹp nửa mặt đường khiến giao thông ách tắc cục bộ. Ngay sau đó, Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Cục Quản lý đường bộ II) đã huy động phương tiện, nhân công khắc phục điểm sạt lở này ngay trong sáng cùng ngày.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong 24 giờ qua, khu vực tỉnh đã mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20 - 50 mm. Riêng phía Nam tỉnh Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm, có nơi cao hơn như A Vao 130.8 mm, Tà Rụt 137.4 mm và Tà Long 137.8 mm.
Hiện mực nước trên các sông đang ở mức báo động 1. Mưa lớn cũng đã gây ngập sâu từ 0,3 - 0,5m tại các tràn qua sông như tràn Ba Lòng, Tà Rụt - A Vao, Ly Tôn (đều thuộc huyện Đakrông).
Toàn bộ 126 đập, hồ chứa thủy lợi lớn, nhỏ vẫn đảm bảo an toàn, chưa có diễn biến phức tạp. Đến thời điểm ngày 1/4/2022, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 76,88% so với dung tích thiết kế.
Trước tình hình gió mùa và mưa diễn biến bất thường, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi các thuyền vào bờ. Hiện toàn bộ 2.489 tàu thuyền của tỉnh với trên 7.000 thuyền viên đã vào neo đậu an toàn tại các bến.
Mưa lớn kéo dài từ ngày hôm qua đến nay đã khiến một số diện tích lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng cục bộ.
Lo ngại hơn, hiện diện tích lúa gieo trồng vụ Đông Xuân trên toàn tỉnh là hơn 21.500ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Theo đánh giá của các địa phương, với lượng mưa lớn và gió mạnh cũng như ngập úng cục bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ lúa năm nay.
Trước đó, vào ngày 29/3/2022, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai chủ động ứng phó với mưa kớn diện rộng, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá, lũ và sạt lở đất. Qua đó, các địa phương đã rà soát, điều chỉnh phương án và sẵn sàng sơ tán hơn 4.900 hộ/trên 15.600 khẩu tại các địa bàn huyện Vĩnh Linh, Đakrông có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Đồng thời, các địa phương cũng đã triển khai cắt cử lực lượng trực canh, đặt barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn đang ngập và có nguy cơ ngập, nước chảy xiết.