Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Trị: Người dân lo lắng tình trạng cá chết hàng loạt trên hồ Nước Chè

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng cá chết kéo dài hàng tháng nay tại hồ Nước Chè (thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) khiến người dân lo lắng. Hơn 5 năm qua, tình trạng cá chết tại đây vẫn chưa xác định được nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm.

Tình trạng cá chết trên hồ Nước Chè kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.

Liên tục xảy ra tình trạng cá chết

Nằm ngay trung tâm thị trấn Diên Sanh, hồ Nước Chè với diện tích gần 10ha từ lâu đã trở thành hồ nước điều hòa khí hậu cho người dân trong những ngày hè nóng bức. Thế nhưng, nhiều người dân giờ đi qua đây phải bịt mũi bởi mùi hôi của nước thải và mùi tanh nồng của cá chết theo từng cơn gió thổi về. 

Những ngày cuối tháng 8/2022, phóng viên có mặt tại hồ Nước Chè và chứng kiến những xác cá nằm rải rác trên mặt nước. Một số con vừa mới chết, một số đã bắt đầu phân hủy, đa phần là cá rô phi. Điều lo lắng chính là tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua.

Những xác cá phân hủy trên mặt hồ Nước Chè.
Những xác cá phân hủy trên mặt hồ Nước Chè.

Anh Trần Văn Hải (thị trấn Diên Sanh) cho biết, người dân vừa mới tổ chức vớt cá chết dưới hồ lên để bớt mùi hôi thối. Tuy nhiên, cá vẫn chết liên tục và dạt vào dọc theo bờ hồ. “Xác cá dưới hồ này đều bị lở loét trên thân. Chứng tỏ nước hồ ô nhiễm nghiêm trọng” - anh Hải lo lắng.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Trai (trú tại khóm 8, thị trấn Diên Sanh) cho biết là người nhận thầu nuôi cá tại khu vực hồ Nước Chè với mức 60 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tình trạng cá chết bắt đầu xuất hiện từ năm 2017 khi nhà máy của Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms (Cụm công nghiệp Diên Sanh) được phép xả nước thải xuống khu vực hồ.

Tình trạng cá chết kéo dài khiến người dân lo lắng và việc kinh doanh của ông Trai cũng giảm sút, trong khi đó nguồn nước hồ Nước Chè ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Đàn vịt giống của ông Trai cứ chết dần khi được nuôi thả tại đây.
Đàn vịt giống của ông Trai cứ chết dần khi được nuôi thả tại đây.

“Hơn 5 năm qua, năm nào cá cũng chết, có thời điểm cá nổi trắng hồ. Trong năm nay, cá bắt đầu chết từ tháng 4 đến giờ. Ước đã có 5 - 6 tấn cá chết được thu gom đưa đi chôn lấp, xử lý. Năm 2021, có khoảng 10 tấn cá chết và có ngày vớt đến vài tạ xác cá” - ông Trai nói.

Không chỉ thế, việc nuôi thả gia cầm tại khu vực hồ Nước Chè cũng bị ảnh hưởng. Chỉ về phía đàn vịt chỉ còn vài con, ông Trai cho hay: “Mấy năm trước tôi nuôi hàng trăm con vịt trời không sao. Nhưng 2 năm qua, cứ thả vịt giống xuống là chết”.

Cần làm rõ nguyên nhân

Tình trạng cá chết kéo dài 5 năm qua, nhiều cuộc họp đã diễn ra, các phương án đề xuất cũng được nêu nhưng chưa thể xác định rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trên hồ Nước Chè, cũng như có biện pháp xử lý triệt để. Hàng năm, chính quyền địa phương cùng với người dân chỉ biết vớt số cá chết mang đi chôn lấp, tiêu hủy tránh ô nhiễm môi trường.

Nguồn nước thải sinh hoạt đen kịt đổ trực tiếp xuống hồ.
Nguồn nước thải sinh hoạt đen kịt đổ trực tiếp xuống hồ.

Dù hồ Nước Chè được xem là hồ nước vừa điều tiết vừa là cảnh quan của thị trấn Diên Sanh, nhưng lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Hải Lăng cho biết, đây là nơi tiếp nhận chất thải từ hoạt động sinh hoạt và hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh. Các nguồn chất thải đổ vào hồ trong thời gian dài đã làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu dưỡng khí, mức nhiễm muối và nồng độ chất rắn lơ lửng cao.

Minh chứng là nhiều cống nước thải nguồn nước sinh hoạt luôn bốc mùi hôi thối và đen kịt đổ vào hồ. Chưa kể, video do người dân cung cấp về việc Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms xả thải một lượng lớn nước màu nâu nhạt, nổi bọt trắng như xà phòng vào hồ. Dù phía Phòng TN&MT huyện Hải Lăng khẳng định, phía công ty xả thải khi nguồn nước đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn và có thiết bị quan trắc về độ ô nhiễm.

Nguồn nước Cụm công nghiệp Diên Sanh đen kịt, nổi bọt xà phòng xả thải xuống hồ. (Ảnh cắt từ video người dân cung cấp).
Nguồn nước Cụm công nghiệp Diên Sanh đen kịt, nổi bọt xà phòng xả thải xuống hồ. (Ảnh cắt từ video người dân cung cấp).

Ông Văn Ngọc Tiến Đức - Trưởng phòng TN&MT huyện Hải Lăng cho biết, hiện tượng cá chết tại hồ Nước Chè trong thời gian vừa qua có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố gây nên, không chỉ liên quan đến môi trường.

“Để xác định nguyên nhân cá chết, chúng tôi đã đề xuất lấy mẫu cá xét nghiệm và lấy mẫu phân tích chất lượng nguồn nước” - ông Đức chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, Phòng TN&MT huyện Hải Lăng đã đề xuất UBND huyện đầu tư xây dựng lại cống thoát nước từ hồ Nước Chè đổ vào sông Nhùng với hình thức xả đáy, thoát bùn. Tiến hành khơi thông, nạo vét lượng bùn trong hồ, tăng cường các hoạt động bảo vệ sinh thái lòng hồ. Đồng thời, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ Cụm công nghiệp Diên Sanh, nước thải sinh hoạt.

Hồ Nước Chè còn tạo điểm nhấn về cảnh quan cho huyện Hải Lăng.
Hồ Nước Chè còn tạo điểm nhấn về cảnh quan cho huyện Hải Lăng.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Viết Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị, UBND thị trấn Diên Sanh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ môi trường miền Trung (trường ĐH Khoa học, ĐH Huế) tiến hành xác định nguyên nhân cá chết ở hồ Nước Chè.

Ông Dương Viết Hải thông tin thêm, vẫn còn một số vướng mắc liên quan dự toán nhiệm vụ xác định nguyên nhân cá chết ở hồ nước Chè. UBND huyện sẽ tiến hành tháo gỡ các khó khăn để triển khai nhiệm vụ xác định rõ nguyên nhân cá chết ở đây, và có biện pháp xử lý cụ thể nhằm đảm bảo môi trường cũng như cảnh quan của huyện Hải Lăng về lâu dài.