Vá đường kiểu tạm bợ
Sau khi báo Kinh tế & Đô thị có
bài viết phản ánh tình trạng tuyến đường giao thông nối 2 xã Vĩnh Tú và Vĩnh Thái với trung tâm huyện Vĩnh Linh hư hỏng trầm trọng do việc vận chuyển từ mỏ titan, cát của Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị - QMC (gọi tắt là công ty) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trong đó, công ty đã tổ chức sửa chữa, tuy nhiên chỉ mang tính tạm bợ.
|
Việc sửa chữa chỉ là phương án tạm bợ khi cho đổ đá dăm lấp các điểm sụt lún |
Ông Lê Vĩnh Thiều - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị - QMC cho biết: Về tuyến đường này, khi xây dựng kế hoạch sản xuất đã có đánh giá tác động môi trường. Trong đó, toàn bộ tuyến đường phục vụ cho công tác vận chuyển cát với công suất 420.000 tấn/ năm. Các loại phí môi trường phía công ty đều nộp cho Nhà nước. “Đáng lẽ ra Nhà nước chịu trách nhiệm sửa chữa đường. Tuy nhiên, công ty đã sửa chữa 2, 3 lần, mỗi lần hơn 1 tỷ đồng”, ông Lê Vĩnh Thiều nói.
Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, việc sửa chữa chỉ là phương án tạm bợ khi cho đổ đá dăm lấp các điểm sụt lún.
Riêng tại cây cầu trên tuyến đường (đoạn qua thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Toàn bộ phần dẫn 2 đầu cầu đã bị sụt lún và hổng một lượng lớn đất, đá dưới chân cầu.
Bên cạnh đó, tình trạng xe tải vận chuyển khiến cát rơi vãi dọc tuyến đường và ngay khu vực trạm trung chuyển ở Khu công nghiệp Tây bắc Hồ Xá (trên tuyến Quốc lộ 9D) tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
|
Tình trạng xe tải đua nhau vận chuyển khiến cát rơi vãi dọc tuyến đường |
“Địa phương có mời đội xe vận chuyển khoáng sản và cả công ty làm việc, cam kết chạy đúng tốc độ, trọng tải. Nhưng họ cam kết thế thôi, họ toàn chạy chuyến nên cứ tranh nhau chạy, chưa kể nhiều xe có dấu hiệu cơi nới thùng cao lên 30cm. Phức tạp lắm!”, một cán bộ xã (xin giấu tên) bày tỏ.
Điều đó thể hiện rõ khi có mặt lực lượng chức năng, lập đoàn kiểm tra thì toàn bộ xe vận chuyển tạm dừng hoạt động. Khi lực lượng chức năng rời đi, mọi việc trở lại như cũ và các xe lại đua nhau chạy bù chuyến.
|
Điểm mỏ khai thác titan, cát tại xã Vĩnh Thái với hàng trăm chuyến xe chở cát mỗi ngày. |
Nỗi lo về môi trường
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án “Đầu tư xây dựng công trình mỏ titan thuộc xã Vĩnh Tú và xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị” của Công ty Cổ phần khoáng sản Quảng Trị. Sau khi dự án được Bộ TN&MT điều chỉnh giấy phép khai thác, bổ sung nội dung khai thác cát thạch anh, là khoáng sản đi kèm khai thác titan 2 xã trên bằng phương pháp lộ thiên.
|
Một điểm khai thác titan, cát sâu cả chục mét trên đồi cát trắng Vĩnh Tú, Vĩnh Thái với màu nước đen kịt. |
“Việc cải tạo phục hồi môi trường thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, sau khi kết thúc khai thác cát thạch anh tại mỗi khoảnh khai thác, công ty sẽ tiến hành san gạt, hoàn thổ mặt bằng, trồng cây theo quy định tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt”, ông Nguyễn Trường Khoa khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại điểm mỏ Vĩnh Tú và Vĩnh Thái, trên cả đồi cát trải dài và rộng hàng trăm héc-ta là những hố khai thác titan khổng lồ đã di chuyển hết máy móc nhưng vẫn chưa được hoàn thổ, san lấp. Những cái hố có độ sâu lớn với màu nước xanh đen.
|
Trên đồi cát trắng mênh mông, những hố hầm cả cũ lẫn mới sau khi khai thác vẫn chưa được hoàn thổ, trồng cây như cam kết. |
Về vấn đề này, ông Lê Vĩnh Thiều cho rằng, người dân đề nghị để một số hồ nước cho gia súc uống, còn một số khu vực công ty đang chuẩn bị triển khai. Tuy nói vậy nhưng thực tế những hố nước này có lẽ chẳng ai dám tới gần bởi chỉ cần sẩy chân thì nguy cơ tử vong rất lớn, do bờ thành cao và hố nước sâu hoắm.
Không chỉ vậy, gần đó là những hố khai thác khác titan, cát với hàng trăm ống nước chạy khắp nơi. Nước đưa vào các moong đều là mạch nước ngầm ngay trên đồi cát. Chưa kể, một số khu vực nước chảy ra khu vực bàu Trạng (xã Vĩnh Tú) có màu nâu và bốc mùi hôi thối.
|
Nước từ điểm mỏ khai thác chảy tràn ra khu vực bàu Trạng (xã Vĩnh Tú) có màu nâu đen. |
Có một thực tế sau khi khai thác titan, cát rồi hạ thấp độ cao để trồng cây là điều khó triển khai. Bởi toàn bộ “thức ăn” trong cát đã bị lọc hết, cây rất khó sinh trưởng. Điều đó minh chứng cho việc công ty đã trồng 4ha cây xanh phục hồi khu vực mỏ đã khai thác, nhưng 4ha trên không thể phát triển được và chết đa số.
Ông N.Đ.T (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) cho biết: Trước trên đồi cát là thảm cây bụi và các loài cỏ dại thường thấy ở vùng ven biển, nhưng giờ là những hố khai thác titan khổng lồ. Giờ địa hình thay đổi, cát bị lấy đi mà họ không trồng cây chắn gió được trên khu vực khai thác cát thì e rằng vài năm nữa, mấy thôn gần đó gió Nam về vùi lấp hết.
|
Không chỉ sử dụng một lượng lớn nguồn nước ngầm trên đồi cát, công ty còn sử dụng nguồn nước từ bàu Trạng (xã Vĩnh Tú) phục vụ cho việc khai thác titan, cát. |
Qua tiếp xúc, người dân và lãnh đạo các xã đều không phủ nhận việc khai thác titan, cát đã tạo việc làm cho một số người dân địa phương. Tuy nhiên, đổi lại hàng ngày họ phải đối mặt với việc hàng trăm chuyến xe cày nát đường, cát bụi bủa vây.
Điều họ lo lắng nhất vẫn là việc ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Bởi cả đồi cát lớn bao đời nay che chắn cho 2 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Thái đang hạ thấp dần độ cao khi công ty được cấp phép chở cát đi bán. Trong khi đó, trước đây chỉ khai thác titan và hoàn thổ lại số cát đã hút lên.
|
Việc khai thác cát, titan khiến người dân lo ngại vùi lấp những diện tích canh tác giáp ranh với khu vực điểm mỏ. |
Một lão nông 80 tuổi tại xã Vĩnh Thái cho biết: Đồi cát Vĩnh Tú - Vĩnh Thái tồn tại qua bao đời nay, từ khi sinh ra đã thấy đồi cát. Thế nhưng, việc khai thác đang khiến người dân lo ngại vấn đề về môi trường về lâu, về dài.
“Một lần bão, gió Nam về thì khổ lắm chú ơi, cát bay về dưới thôn Tân Mạch, ở trong thôn cát vùi lấp đầy. Bức xúc, dân trong thôn đã không cho khai thác phía ngoài này”, lão nông này than thở.
Theo hồ sơ, Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị đã ký biên bản hợp tác số 1216M ngày 15/12//2016 với Công ty TNHH khoáng sản FINETON xuất khẩu cát thạch anh làm khuôn đúc thời hạn 3 năm để xuất đi các nước và vùng lãnh thổ: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philipine… có thời hạn đến 31/12/2019. Trong đó, 4 hợp đồng với khối lượng xuất khẩu gần 900.000 tấn. Đến thời điểm năm 2018, công ty đã xuất khẩu gần 20.000 tấn và vẫn còn gần 880.000 tấn chưa xuất khẩu. Do ký hợp đồng trước ngày 15/9/2017 (theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 602/TTg-CN về việc một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát) nên phía công ty được tiếp tục xuất khẩu đến thời hạn 30/12/2020. Sau thời gian dừng xuất khẩu, mới đây ngày 22/7/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2859/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Quảng Trị và Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị xác định: Sản phẩm cát silic, cát vàng khuôn đúc của Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị đủ điều kiện được phép tiếp tục xuất khẩu. Được biết, đối với dự án khai thác titan và và cát thạch anh của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị, công ty đã thực hiện nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với số tiền là 5,78 tỷ đồng. |