Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Trị yêu cầu báo cáo tồn tại, giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước những chỉ số đánh giá vừa được công bố, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các địa phương báo cáo về tồn tại, giải pháp, kế hoạch triển khai nhằm khắc phục, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân nhiều dự án bị thu hồi, chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong ảnh: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) dở dang vì bị thu hồi nguồn vốn do chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân nhiều dự án bị thu hồi, chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong ảnh: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) dở dang vì bị thu hồi nguồn vốn do chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Lễ công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả công bố, tổng điểm số PCI năm 2022 của tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 61,26 điểm, giảm 2,07 điểm so với năm 2021. Chỉ số PCI xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành phố và giảm 18 bậc so với năm 2021.

Năm 2022, tổng điểm số PCI cũng như thứ hạng của tỉnh Quảng Trị đều đạt thấp hơn và giảm so 2 năm trước. Cụ thể, năm 2020, tổng điểm PCI đạt 63,07 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 tổng điểm PCI đạt 63,33 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố.

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì chỉ có 4 chỉ số tăng điểm, 6 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Về thứ hạng, có 3 chỉ số tăng thứ hạng, 1 chỉ số giữ nguyên thứ hạng và 6 chỉ số khác giảm thứ hạng so với năm 2021.

Cụ thể, 3 chỉ số tăng cả về điểm và thứ hạng so với năm 2021 là: Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,45 điểm, tăng 9 bậc, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố), Đào tạo lao động (tăng 0,1 điểm, tăng 10 bậc, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố) và Chi phí không chính thức (tăng 0,07 điểm, tăng 5 bậc, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố).

Ngoài ra, 1 chỉ số tăng điểm nhưng giảm thứ hạng là chỉ số Chi phí thời gian (tăng 0,48 điểm) nhưng giảm 6 bậc, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố so với năm 2021. Bên cạnh đó, chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh giảm 0,11 điểm, vẫn giữ nguyên xêp thứ 32/63 tỉnh, thành phố so với năm 2021.

Đáng chú ý, 5 chỉ số khác vừa giảm điểm và giảm cả thứ hạng so với năm 2021. Cụ thể, chỉ số Tiếp cận đất đai giảm 1,17 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố (giảm 21 bậc); chỉ số Tính minh bạch giảm 1,08 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố (giảm 34 bậc); chỉ số Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp giảm 1,0 điểm, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố (giảm 9 bậc); chỉ số Gia nhập thị trường giảm 0,5 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố (giảm 27 bậc) và chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,21 điểm, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố (giảm 19 bậc).

Như vậy, có 3 chỉ số Tiếp cận đất đai, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của tỉnh Quảng Trị đạt thấp và nằm cuối bảng xếp thứ hạng của cả nước. Riêng chỉ số Tính minh bạch từ thứ hạng 4/63 tỉnh, thành phố (năm 2020) nay Quảng Trị tụt xuống xếp thứ hạng 37/63.

Đồng thời, năm 2022, VCCI đã bổ sung đánh giá chỉ số mới là Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) với 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, Thúc đẩy thực hành xanh, Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Qua đó, Chỉ số PGI của tỉnh Quảng Trị đạt 13,49 điểm, xếp thứ hạng 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong khi đó, mới đây, tại báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" (PAPI) năm 2022 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng các đối tác thực hiện, đánh giá được công bố ngày 12/4 vừa qua cũng nêu những chỉ số đáng lo ngại tại tỉnh Quảng Trị.

Trong đó, báo cáo nêu rõ vẫn còn hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các tỉnh còn nghèo như Đắk Lắk, Quảng Trị và Sơn La.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở kết quả đánh giá của VCCI, Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan và UBND các địa phương báo cáo đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 về việc thực hiện Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, các đơn vị nêu rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, kèm theo số liệu, văn bản… để phân tích làm rõ kết quả đạt được. Từ đó, đề ra các giải pháp chỉ đạo sát thực, quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.