70 năm giải phóng Thủ đô

Quê cha

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh ra trong đời, chẳng mấy ai không có quê quán, nội ngoại.

Quê hương gắn bó với họ từ khi cất tiếng chào đời, đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quê hương gắn bó với họ từ khi cất tiếng chào đời, đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc biệt là với người nông thôn, nội - ngoại có khi chỉ “cách nhau cái dậu mùng tơi”, nên quê hương gắn bó với họ từ khi cất tiếng chào đời, đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Phải nói rằng, đây cũng là niềm hạnh phúc trong đời người ta vậy.

Là đất nước cư dân nông nghiệp, nên dẫu đói nghèo đến mấy đi chăng nữa, từ lâu đời người nông dân gần như quanh quẩn với lũy tre làng, bám trụ quê hương. Rồi thời cuộc thay đổi, khi nhà máy, khu công nghiệp, đô thị, trường đại học mở ra, lớp người trẻ bắt đầu rời làng, đến xứ khác lập nghiệp, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, rồi “ăn sâu bám rễ” ở mảnh đất mới. Quê hương bản quán, nơi gắn bó tuổi thơ của bao người, lúc này chỉ còn là vùng ký ức xa xôi...

Hình như cuộc sống càng hiện đại, càng khiến con người trở nên bận rộn hơn; công việc, gia đình, vợ con… cuốn con người vào một vòng xoáy vô hình, nhưng khó thoát. Quanh năm tất tả, có khi những kẻ tha hương chẳng về quê nổi một lần. Lắm người lúc ra đi tuổi còn xanh, khi trở về chỉ là một nắm tàn tro trong lọ.

Vì nhiều lý do, một số người khi rời quê đã bán đi mảnh đất nơi mình sinh ra, vậy nên với họ - chỉ có khái niệm về quê. Ngược lại, những người vẫn còn giữ được mái nhà xưa thì về quê, đồng nghĩa là về nhà; điều này chắc chỉ ai trong hoàn cảnh tha hương mới hiểu được! Sinh thời Tản Đà từng có câu thơ được nhiều người yêu thích rằng: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thì có, cửa nhà thì không…".

Cứ rằm tháng Giêng, họ Nguyễn làng tôi làm giỗ tổ. Từ sáng sớm con cháu trong làng, ngoài phố đã ríu rít đưa nhau về. Mấy gian nhà tre của ông trưởng họ vốn đã hẹp, vào ngày giỗ lại càng chật chội hơn. Tiếng cười của đám trai đinh lâu ngày không gặp, tiếng nô đùa của đám trẻ con nhân ngày giỗ cụ, như xé toang sự tĩnh lặng của căn nhà nhỏ nơi góc xóm…

Trong đám con cháu họ Nguyễn có hai anh em ở bên kia sông, cứ đến ngày giỗ tổ là rủ nhau lần về. Gọi về quê nghe có vẻ diệu vợi, nhưng thực ra chỉ cách nhà mỗi con sông, ngày còn cọc cạch xe đạp phải mất chừng 20 phút.

Nay cầu đã xây, xe máy thay cho xe đạp nên việc về quê của anh em chỉ mất độ già 10 phút đồng hồ. Việc về quê của hai anh em đã thành lệ, bởi từ mấy chục năm về trước, mỗi dịp họ Nguyễn có việc, hai anh em vẫn được cha cho theo về. Nay dù người cha đã khuất núi, nhưng “anh em họ Nguyễn bên kia sông” vẫn không phá lệ.

Tuy nhiên cùng với thời gian, hai đứa trẻ ngày nào giờ đã thành ông và tuổi tác bắt đầu đè xuống đôi vai họ. Xuân Thu nhị kỳ, đã mấy chục năm trôi qua, cứ đến dịp họ Nguyễn bên này sông “vào đám”, hai trung niên lại dìu nhau về quê, nhưng tuyệt nhiên không thấy thế hệ kế tiếp. Hỏi ra mới biết, con cái họ đã lớn và có công ăn việc làm ngoài phố. Dù chỉ cách nhà độ vài chục cây số nhưng vì bận và… ngại nên mỗi năm chúng cũng chỉ đảo về thăm bố mẹ vài lần.

Sau mấy năm dịch dã, năm nay làng mở hội; hội làng cũng trùng với ngày giỗ tổ họ Nguyễn. Gia tộc Nguyễn đang chuẩn bị cho ngày lễ trọng của năm, chắc chắn hai anh em nói trên lại sắp cùng nhau về quê… Có điều không hiểu, khi lưng còng, bóng xế, liệu đám con cháu của họ có còn nhớ đến quê?