70 năm giải phóng Thủ đô

Quét mã QR để phòng, chống dịch Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi đến các nơi công cộng, người dân cần quét mã QR CODE để khai báo lịch trình các điểm đi, đến nhằm lưu lại các “mốc dịch tễ” giúp phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hướng dẫn khai báo y tế bằng QR CODE phục vụ người dân có thể “Khai báo y tế” trong quá trình “Đến và Đi” hay còn gọi là “Check-in/ Check-Out y tế” bằng mã QR CODE tại các địa điểm yêu cầu khai báo theo Quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19/ Bộ Y tế, cũng như theo yêu cầu của UBND các Tỉnh/Thành phố.
 Quét mã QR để phòng, chống dịch Covid-19. 
Hướng dẫn khai báo y tế bằng QR CODE giúp hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị.
Theo đó, tất cả các địa điểm: Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code.
Bên cạnh việc lưu lại “mốc dịch tễ”, người dùng sau khi quét QR còn được yêu cầu khai báo y tế online. Đây là một trong những cách để cơ quan y tế nắm trong tay những dữ liệu về các triệu chứng sức khỏe của người dân nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.
Để check in điểm đến và khai báo y tế bằng cách quét mã QR, người dùng cần thực hiện theo cách thức sau.
Bước 1: Tải và cài đặt 1 trong 3 ứng dụng Bluezone, NCOVI và Vietnam Health Declaration.
Bước 2: Khi đến các địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, nhà ga, sân bay, bến tàu,... Người dùng cần tìm đến khu vực có dán mã QR điểm kiểm dịch, sau đó truy cập vào 1 trong 3 ứng dụng ở bước 1 và tìm đến tính năng Quét mã check-in.
Khi cửa sổ camera hiện ra, người dùng cần đưa ô vuông trên màn hình hiển thị về phía mã QR tại các điểm kiểm dịch. Ứng dụng sẽ hiện lên thông tin cho biết việc check in của người dùng đã được thực hiện thành công.
Bước 3: Người dùng cần tiếp tục chọn vào phần Khai báo y tế để tiến hành khai báo.
Các thông tin khai báo gồm Họ và tên, số CMTND/căn cước/hộ chiếu, năm sinh, giới tính, quốc tịch,...
Tiếp theo, người dùng phải tiến hành khai báo nếu cảm thấy mình có các triệu chứng của việc nhiễm Covid-19 như sốt, ho, khó thở, viêm phổi, đau họng, mệt mỏi. Hệ thống cũng sẽ yêu cầu người dùng khai báo nếu trong 14 ngày qua có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 hoặc vừa đi trở về từ vùng có dịch.
Việc khai báo sai về thông tin y tế là vi phạm pháp luật Việt Nam và tùy từng trường hợp có thể phải tiến hành xử lý hình sự. Do đó, người dân cần có trách nhiệm trong việc khai báo thông tin y tế bởi điều này cũng góp phần giúp họ đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.