Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quét mã QR khai báo y tế tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Chủ buông lỏng, khách phớt lờ

Phương Nga - Ánh Ngọc - Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần Hà Nội triển khai quy định quét mã QR tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… nhằm đảm bảo truy vết được nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn lây lan bằng ứng dụng công nghệ, tại nhiều địa điểm kinh doanh, chợ dân sinh khi không có nhân viên nhắc nhở, đa phần khách hàng vẫn phớt lờ quy định này.

Mã QR có cũng như không

Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, việc quét mã QR là điều kiện tiên quyết để TP cho phép các cửa hàng ăn uống, siêu thị, thời trang… hoạt động trở lại. Qua khảo sát các tuyến phố, siêu thị, chợ dân sinh… trên địa bàn TP, hầu hết các địa điểm kinh doanh đều dán mã QR trước cửa ra vào hoặc những vị trí thuận lợi cho khách hàng dễ quét mã. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc quy định này. Tại một số nơi, các mã QR dường như có cũng như không, chỉ dùng để đối phó với các đoàn kiểm tra.

Tại siêu thị Tmart ở khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, cửa trước và sau cửa siêu thị đều dán mã QR, bảng thông báo yêu cầu khách hàng quét mã khi vào mua hàng. Tuy nhiên, theo quan sát, hầu hết khách hàng vào mua sắm tại đây đều bỏ qua quy định này. Theo chia sẻ của quản lý siêu thị, việc nhắc nhở khách hàng quét mã được giao cho bảo vệ. Tuy nhiên, cả siêu thị chỉ có một bảo vệ, kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ trông xe. Do đó, những lúc khách đông, do mải sắp xếp xe của khách, người bảo vệ này cũng quên luôn nhiệm vụ nhắc nhở quét mã.
 Khách hàng quét mã QR khi vào siêu thị BigC. Ảnh: Lê Nam 
Kinh doanh trái cây tại phố Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông), hàng ngày tiếp hàng trăm lượt khách nhưng chị Đỗ Thùy Linh - chủ cửa hàng không quản lý việc khách có quét mã QR hay không, mặc dù mã QR đã được dán ngay trước cửa hàng. "Cửa hàng có dán mã QR yêu cầu khai báo y tế nhưng nhiều người mua hàng không khai báo và chỉ khai báo khi chúng tôi nhắc nhở” – chị Linh biện bạch.

Tình trạng người mua phớt lờ quy định quét mã QR cũng diễn ra tại chợ Hà Đông. Tại khu vực cổng vào của chợ, có dựng biển thông báo yêu cầu quét mã trước khi vào và có nhân viên Ban Quản lý chợ trực chốt nhắc nhở, hướng dẫn, ghi chép khai báo y tế khá nghiêm túc. Tuy nhiên, tại khu vực cổng ra và các cửa phụ của chợ, mặc dù có biển thông báo và mã QR, song rất ít người ra vào chợ tự giác quét mã. Bà Đinh Thị Phúc, ở Vạn Phúc, Hà Đông chia sẻ: “Tôi không dùng điện thoại thông minh nên không biết quét mã QR thế nào. Nếu nhân viên trực chốt yêu cầu thì mới khai báo bằng bản giấy, còn nếu không nhắc nhở thì cũng tặc lưỡi bỏ qua”.

Thực tế cho thấy, các chủ hàng đều nắm được quy định bắt buộc phải tạo điểm quét mã QR để kiểm soát người ra vào cửa hàng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tâm lý chủ quan, dễ dãi khi người mua “quên” không quét mã QR. Anh Nguyễn Đức Ngọc, chủ cửa hàng cắt tóc tại phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân cho hay, dù cửa hàng luôn bố trí nhân viên bảo vệ nhắc nhở nhưng không phải khách hàng nào cũng sử dụng điện thoại thông minh hay đem theo giấy tờ. Vì vậy, cửa hàng chọn cách ghi lại thông tin vào sổ nhưng cũng không chắc thông tin khai báo đó có chính xác không.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chị Bùi Ngọc Lan, nhân viên cửa hàng thời trang Genviet trên phố Chùa Bộc cho biết: "Chúng tôi dán mã QR code ngay tại cửa kính lối ra vào và cũng dán ngay tại quầy thanh toán, những vị trí thuận lợi cho khách nhìn thấy. Nhưng nếu chúng tôi không yêu cầu, thì khách cũng không thực hiện việc quét mã". Anh Nguyễn Đức Tuyến - chủ cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng chia sẻ, cửa hàng thực hiện dán mã QR ngay khi TP yêu cầu nhưng nếu không nhắc nhở thì khách hàng cũng sẽ không quét mã.

Lý giải việc chưa mặn mà với việc phải quét mã QR khi đi mua sắm, nhiều người tiêu dùng lấy lý do không mang theo điện thoại thông minh hoặc người già chỉ sử dụng máy “cục gạch” nên không thể quét mã khai báo y tế được. Trả lời về vấn đề này đại diện Sở TT&TT Hà Nội nêu rõ, người không có điện thoại thông minh có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để sử dụng thay thế. Chủ địa điểm sẽ sử dụng ứng dụng để quét QR code và ghi nhận lượt ra/vào của khách hàng.

Cần hình thành văn hóa quét mã QR

Thực tế, bên cạnh các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chợ truyền thống… người dân lơ là việc thực hiện quét mã QR. Tuy nhiên, tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn lại thực hiện khá nghiêm túc quy định này. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, lượng người đổ về hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như BigC Thăng Long, Vinmart, Hapro, AEO… mua sắm tăng cao. Để tạo thuận tiện cho việc khai báo y tế của người dân, phòng, chống Covid-19, các siêu thị đều tổ chức các điểm quét mã QR. Tại cửa vào trung tâm thương mại, Big C Thăng Long đã bố trí nhiều điểm quét mã QR và khai báo y tế, đồng thời bố trí 2 cán bộ bảo vệ kiểm tra việc hoàn thành quét mã QR của khách hàng. Cũng giống như Big C Thăng Long, các trung tâm thương mại lớn như Aeon Hà Đông, Lotte Mart Ba Đình... đều tăng cường nhân sự bảo vệ để kiểm tra việc quét mã QR và khai báo y tế của khách hàng khi đến mua sắm, vui chơi.

Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, khách hàng muốn vào siêu thị BigC Thăng Long mua sắm phải hoàn thành quét mã QR, khai báo y tế theo đúng quy định, BigC không châm chước cho bất cứ trường hợp chưa hoàn thành quét mã QR được vào mua sắm. “Cần có chế tài, quy định nghiêm ngay từ ban đầu để hình thành ý thức, văn hóa quét mã QR cho người dân khi đến bất kỳ đâu” – Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong đưa ra quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tại Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP đã quy định rõ các quận, huyện, thị xã phải triển khai nghiêm túc, tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị và bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, phải có quét mã QR. Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ… trên địa bàn quản lý không thực hiện tạo mã QR địa điểm, đã liên hệ nhắc nhở quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR địa điểm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Căn cứ vào nội dung quy định trong Chỉ thị 22 của UBND TP thì, chủ cửa hàng kinh doanh, cơ sở dịch vụ bắt buộc phải thực hiện nghiêm, không thể vì lý do khách quan hay chủ quan mà phớt lờ quy định hay thực hiện theo kiểu chống đối. Nếu lơ là để xảy ra tình huống dịch bệnh thì chủ cửa hàng kinh doanh, cơ sở dịch vụ phải chịu mức phạt theo quy định và buộc phải đóng cửa là điều đương nhiên.

"Việc nới lỏng giãn cách phải đi kèm các biện pháp, trong đó áp dụng công nghệ là biện pháp quan trọng nhất. Với giải pháp quét mã QR, trong trường hợp xảy ra ca F0 ở địa điểm nào đó, cơ quan chức năng có thể truy vết các trường hợp F1 với thời gian rất nhanh. Tuy nhiên, để việc quét mã QR đạt hiệu quả thực chất, cần sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ, và còn từ chính ý thức của người dân." - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm


"Người dân có thể dùng tính năng gửi phản ánh trong ứng dụng PC-Covid để báo cáo về các địa điểm chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát người vào bằng QR hoặc có thể trực tiếp phán ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện bất kỳ cơ sở kinh doanh nào không thực hiện nghiêm việc kiểm soát người vào bằng mã QR." - Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)