Triển khai đồng bộ
Ngày 14/9, Công an TP Hà Nội cho biết, đêm qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - Bộ Công an hoàn tất lắp đặt các camera quét mã QR-code tại 23 chốt kiểm soát phương tiện cửa ngõ ra vào TP bằng ứng dụng VNEID. Các chốt kiểm soát bắt đầu kiểm tra điều kiện của người ra/vào TP Hà Nội thông qua hệ thống camera, người tham gia giao thông khi đi qua các chốt kiểm soát dịch sẽ được quét mã QR-code thay cho việc khai báo y tế tại chỗ.
Thông qua webcam, tốc độ quét sẽ được cải thiện so với việc sử dụng điện thoại, đôi khi gặp vấn đề về chất lượng hình ảnh. Bên cạnh đó, camera có dây nối kéo dài, đặt cố định nên giữ được khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm.
Trao đổi với phóng viên, Phó đội trưởng đội CSGT số 6 - Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Ninh cho biết, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch số 16 cầu Trung Hà, camera quét QR-code đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng ổn định từ sáng 14/9.
Theo ghi nhận, khoảng cách giữa webcam với người khai báo y tế khi xuất trình QR-code tại chốt kiểm soát cầu Trung Hà được đảm bảo, webcam được đặt cố định tại một vị trí, ngay ngắn và dễ dàng cho công tác thực hiện thao tác quét mã. Tốc độ nhận diện mỗi mã QR được truyền từ webcam vào máy tính chỉ mất vài giây. Trường hợp người dân chưa kịp nắm bắt, chưa có mã QR sẽ được lực lượng chức năng tại chốt hướng dẫn khai báo thông tin, đăng ký số, nhận mã OTP được gửi về điện thoại để nhận mã QR mới.
Chất lượng hình ảnh từ webcam hỗ trợ tốt hơn so với quét bằng điện thoại thông thường. |
Được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng của trang web của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, người dân có thể dùng điện thoại để đăng ký, khai báo không cần đòi hỏi về cấu hình, đồng thời, tự đăng ký qua zalo, website mà không cần cài đặt ứng dụng mới.
Lỗi nhỏ cần khắc phục
Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian quét của ứng dụng rất nhanh, chỉ trong khoảng từ 2 - 5 giây cho một mã QR, tuy nhiên, trong ngày đầu triển khai, hệ thống xuất hiện lỗi phải bấm đăng ký tới 2 lần mới chuyển sang mục khai báo, do đó một số tài xế loay hoay thao tác nhiều lần vẫn không được và phải nhờ tới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng làm việc tại chốt.
Việc khai báo bằng QR-code mới rất khoa học, nhưng không ít lái xe vẫn cho rằng việc thực hiện khai báo qua hệ thống mới mất thời gian hơn mọi ngày. Anh Trần Văn Chiến, lái xe từ Thái Bình về Hà Nội di chuyển qua chốt kiếm soát cửa ngõ số 2 Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, anh đã mất khoảng 10 phút mới khai báo xong để nhận mã QR vào quét lâu hơn nhiều so với khai báo bằng giấy thông thường.
Anh Nguyễn Minh Khoa, lái xe Ninh Bình - Hà Nội thường xuyên di chuyển qua chốt số 2 nhưng vẫn không kịp cập nhật về phương tiện quét mã mới, do vậy chưa kịp chuẩn bị khai báo từ trước nên cũng phải dừng tại chốt mất gần 10 phút. Theo anh Khoa, việc khai báo bằng mã QR mới chỉ áp dụng cho những lái xe có điện thoại thông minh. Lái xe không có điện thoại thông minh vẫn phải khai báo bằng giấy, trong khi đó, việc khai báo bằng mã mới lâu hơn so trước đây.
Nói về vấn đề này, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, việc kiểm soát thông tin phòng, chống dịch Covid-19 bằng công nghệ sẽ hạn chế đi khá nhiều hoạt động tiếp xúc giữa lực lượng tại chốt với người khai báo, có tác dụng không nhỏ trong ngăn ngừa lây truyền dịch. Trong một, hai ngày đầu áp dụng, người dân sẽ có một chút bỡ ngỡ và mất thêm thời gian để được hướng dẫn. Nhưng khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định, người qua chốt đã chuẩn bị sẵn mã QR từ ở nhà, tốc độ xử lý tự động kiểm soát di chuyển sẽ tăng lên, tránh được ùn tắc tại chốt.