VN-Index tiếp tục tìm về đáy cũ
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,14 điểm (-0,8%), về mức 1.254,64 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của toàn thị trường đạt hơn 24 ngàn tỷ đồng.
VN-Index mở phiên chiều với lực mua xuất hiện trở lại giúp nâng đỡ chỉ số nhưng áp lực bán vẫn có phần chiếm thế thượng phong khiến chỉ số vẫn nhuộm sắc đỏ đến khi kết phiên. Về mức độ ảnh hưởng, GVR, HVN, FPT và DGC là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 3,8 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, TCB, MSN, CTG và VCB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 1,4 điểm tăng.
Các cổ phiếu ngân hàng vốn là cán cân để giữ thế cân bằng cho thị trường trong những phiên gần đây, tuy nhiên hôm nay cũng giảm nhiệt. Các mã còn giữ được sắc xanh gồm CTG, HDB, KLB, MSB, OCB, SSB, TCB, TPB, VCB. Trong đó, KLB tích cực nhất với mức tăng 8,6% lên mốc 12.700 đồng/cp, các mã khác chỉ tăng trên dưới 1%.
Nhiều mã đứng tham chiếu, gồm ABB, BAB, BID, NAB, NVB, SGB, VPB. Còn lại giảm mạnh nhất là BVB -2,9%, VBB -2,8%, VAB -2%, LPB -1,4%, ACB -1,4%...
Ngành sản xuất nhựa – hóa chất có mức giảm mạnh nhất thị trường với -4.06% chủ yếu đến từ mã GVR (-5,07%), DGC (-6,02%), DCM (-3,49%) và DPM (-1,97%). Theo sau là ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và ngành vận tải – kho bãi với mức giảm lần lượt là 3,48% và 2,6%. Ở chiều ngược lại, ngành sản phẩm cao su là ngành có sự phục hồi mạnh với 0,55% chủ yếu đến từ 2 mã CSM (+6,69%) và SRC (+6,91%).
Tương tự tại nhóm vận tải, dòng tiền tiếp tục tháo chạy khỏi HVN khiến mã này giảm sàn về mốc 24.350 đồng/cp, nâng mức giảm từ đầu tháng 7 đến nay lên hơn 33%. VTO cũng giảm sàn, một số mã khác giảm đáng kể như VOS -6,5%, VIP -6,3%, SCS -5%, PVT -3,9%, HAH -2,2%, SGN -3,5%...
Tại nhóm xây dựng và bất động sản, HDG, QCG, TIP, EVG giảm sàn; NVL -6,3%, PC1 -5%, CTD -4,4%, REE -2,6%, DPG -6,1%, CEO -3%, TIG -5,2%, HBC -5,7%, HTN -6,4%, LHG -4,3%... Chiều tăng có số ít mã như DXG +2,6%, VPI +3,9%, NHA +3,2%, BCR +5%, AAV +5,2%; VHM, VRE, DIG, KOS tăng nhẹ.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này quay lại mua ròng hơn 303 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã SBT (375 tỷ), FPT (43 tỷ), POW (33 tỷ) và TCH (25 tỷ). Ngược lại, DGC chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 97 tỷ đồng, VPB và VHM cũng bị "xả" 54 tỷ đồng và 32 tỷ đồng.
Cổ phiếu QCG tiếp tục giảm sàn
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục duy trì trạng thái giảm kịch sàn với lượng dư bán lên tới 6,1 triệu cổ phiếu. Lượng bán lớn nhưng việc không nhà đầu tư nào sẵn sàng chi tiền mua khiến thanh khoản QCG chỉ khoảng nửa tỷ đồng.
Trong ngày giảm sàn trắng bên mua, thanh khoản cả phiên của cổ phiếu QCG chỉ đạt nửa tỷ đồng, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt.
Với việc rơi về mức 8.440 đồng/cp, mã QCG đang được giao dịch quanh mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Ngoài ra, đây cũng là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của mã chứng khoán này, trong đó, có 3 phiên giảm sàn.
Diễn biến này xuất hiện sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí hôm 19/7.
Trong sáng 22/7, Quốc Cường Gia Lai cũng phát đi thông cáo liên quan đến sự việc bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt. Doanh nghiệp này cho biết vụ việc trên vẫn đang trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Thị Như Loan đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.
Đáng chú ý, Quốc Cường Gia Lai nhấn mạnh sự việc trên chỉ liên quan đến dự án 39-39B Bến Vân Đồn (quận 4, TP Hồ CHí Minh) mà công ty đã nhận chuyển nhượng từ 2 công ty tư nhân và chuyển nhượng hoàn tất cho đối tác từ năm 2014 như tuyên bố hôm 30/5 trước đó.
“HĐQT sẽ sớm tìm người phụ trách điều hành công ty trong thời gian sớm nhất để thực hiện tất cả các hoạt động liên quan, đảm bảo hoạt động bình thường của Công ty CP Công ty Quốc Cường Gia Lai” - thông cáo nêu.