Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, các thành viên Chính phủ bắt đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội kéo dài 2,5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi bước vào chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Đồng thời, Quốc hội cũng nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tổng thời gian dành cho hoạt động này là 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11). Điểm đặc biệt của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề, lĩnh vực mà vấn đề thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp.

Trước khi bắt đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 102 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) nêu vấn đề về chính sách nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị đã và đang trở thành nỗi niềm trăn trở của cử tri muốn gửi đến Chính phủ tại Kỳ họp này. Thực tế, phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trên thị trường nhà ở tại các đô thị trong những năm gần đây giai đoạn 2010-2020. Trong khi đối tượng thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở thương mại và ngày càng khó khăn hơn. Đại biểu Nguyễn Tạo đặt câu hỏi: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì, chương trình hành động gì mang tính khả thi để xử lý thống nhất 2021-2026?”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo: Yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chương trình riêng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội.
Với địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội. Với sự cố gắng rất cao của các địa phương, đã xây dựng 5, 2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp và 2,3 triệu m2 cho công nhân. Kết quả đạt được rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu, mới giải quyết 41,5% yêu cầu.
Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn.
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật, theo quy định cần dành 9 nghìn tỷ nhưng nay mới được 4 nghìn tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo và nhiều giải pháp đang thực hiện. Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…
"Chúng tôi thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ: Rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm." - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 2
 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh An Giang) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn tỉnh An Giang) nêu vấn đề, công nghệ 5G đang được phát triển trên thế giới và Trung Quốc hiện nay có 100 triệu thuê bao nhưng tổng chi phí đầu tư của Trung Quốc là 200 tỷ USD trong 5 năm. Đại biểu Lân Hiếu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, triển khai 5G của chúng ta có chậm trễ không và giải pháp nào hạn chế lãng phí, tốn kém khi triển khai trên diện rộng?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Chúng ta làm mạng 5G không chậm, năm 2019 thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 thử nghiệm thương mại và 2021 triển khai diện rộng. Mạng 2G chúng ta đi cùng nhịp thế giới nhưng 3G, 4G chậm hơn 7-8 năm. Chúng ta triển khai mạng 5G theo pha trước hết ở thành phố lớn, khu đông người, khu công nghiệp, trường đại học, dựa trên hạ tầng mạng 4G. Bộ đã đề nghị DN xây dựng phương án về dùng chung cơ sở và thiết bị. Làm mạng 5G đồng thời tắt mạng 2G, 3G. Khi triển khai diện rộng sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam sản xuất.
Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 3
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)Khi Bộ tham mưu cho Chính phủ khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục khóa XIII là 462 tỷ đồng. Vậy thực tế chúng ta đã thực tế chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Chi phí xây dựng chương trình, SGK đến nay Bộ GD&ĐT không sử dụng khoản ODA của Ngân hàng Thế giới (hơn 16 triệu USD) dùng để biên soạn SGK theo Nghị quyết 122 của Quốc hội như kế hoạch ban đầu. Thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, trừ trường hợp không có bộ sách nào thì Bộ sẽ tổ chức biên soạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với xây dựng chương trình giáo dục mới thì đã chi tiêu khoảng 12 triệu USD. Sau khi rà soát loại trừ những hoạt đọng, chi phí khoogn thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Nguyễn Văn Hiển cho biết: theo trả lời của Bộ trưởng, thì chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ rừng là 42%. Tuy nhiên, qua Google map, có thể thấy rõ chất lượng rừng của nhiều nơi nước ta rất thấp so với các nước có chung đường biên giới, nhất là Lào và Campuchia. Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của chúng ta không tốt bằng các nước trên?
Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hiển: Về nguyên nhân, những tồn tại hạn chế trong quản lý, phát triển rừng có nguyên nhân lịch sử, nhưng cũng có trách nhiệm quản lý. Việc theo dõi trên Google Map của đại biểu là hoàn toàn chính xác, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn Lào và Campuchia.
Về giải pháp, với rừng tự nhiên, bất kỳ diện tích nào cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Làm thế nào người tham gia quản lý rừng tự nhiên được tăng cường để rừng phục hồi nhanh hơn. Trên các khu vực trọng yếu, có các chương trình riêng để phục hồi nhanh rừng cho các khu vực này, Chính phủ đã có các chương trình cho Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ven biển. Giải quyết vấn đề di dân tự do, Chính phủ, Thủ tướng đã có giải pháp với 5 tỉnh Tây Nguyên.
Về rừng trồng, hiện chủ yếu là keo, sinh khối tăng nhanh nhưng độ che phủ và độ chống chịu thiên tai còn kém, nên phải thay bằng cây gỗ lớn, cây bản địa. Tăng nhanh rừng quản trị FSC, cố gắng trong 4,3 triệu rừng trồng nâng lên 1 triệu ha FSC. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết, chế tài mạnh, kể cả xử lý hình sự với các vi phạm về rừng, làm tích cực hơn nữa. Con số xâm hại rừng tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng đặt câu hỏi với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Theo báo cáo của Chính phủ, năm nay chúng ta đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 3.093 tổ chức vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào.
Ông Nguyễn Văn Hiển đưa ra câu hỏi nguyên nhân không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vi phạm là gì? Do hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu hay do bất cập của Bộ Luật Hình sự, hay do năng lực của cơ quan phòng, chống tội phạm?
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hiển: Không phải hành vi nào vi phạm về môi trường cũng truy cứu trách nhệm hình sự. Có những hành vi chúng ta quy định xử lý hành chính mà vẫn vi phạm tiếp thì mới xử lý hình sự, hoặc đã xử lý hình sự cá nhân thì có xử lý tiếp pháp nhân hay không. Đây là vấn đề mới nên chúng ta cần xem xét tính khả thi của các điều luật. Thực tế hiện nay cán bộ xử lý vấn đề này đang gặp lúng túng cần có hướng dẫn của các cấp quy định rõ tình tiết, chi tiết cụ thể để không có oan sai hay để lọt.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn tỉnh Tây Ninh) đặt câu hỏi cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải pháp chất lượng nâng cao chất lượng cán bộ ngành tòa án. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hiệu quả thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nguyên nhân của những tồn tại và giải pháp giải quyết?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời: Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 đã giao nhiệm vụ rất rõ về các mục tiêu sắp xếp giảm các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số người hưởng lương. Về sắp xếp, đã giảm 9,09% đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, ở địa phương giảm hơn 7%; giảm 11,98% số biên chế hưởng lương từ ngân sách. Còn cơ chế tự chủ thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ, giao 6 bộ, ngành xây dựng 6 nghị định về tự chủ cho các lĩnh vực, nay mới có 2 nghị định được ban hành. Gần đây, Chính phủ kết luận giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo mới thay thế Nghị định 16, gồm tất cả các nghị định khác, các bộ ngành không phải xây dựng nghị định riêng nữa.

Như vậy, chậm là do cơ chế. Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ các ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 120 năm 2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp tới sửa đổi Nghị định 16 là sẽ có cơ chế thuận lợi cho việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về nguyên nhân đến nay luật giáo dục nghề nghiệp thi hành 5 năm, Bộ trưởng đã hứa tháng 9/2020 sẽ ban hành hướng dẫn về khối lượng văn hóa dạy trong các trường nghề?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời: Khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo tính toán phù hợp. Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì các trường nghề được dạy văn hóa, chúng tôi đã thảo luận với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về vấn đề này, đã xong dự thảo thông tư, cuối năm nay dự kiến ban hành, nhưng cần tránh chồng chéo.

Thứ hai, chúng tôi đã có công văn trả lời Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, theo đó các trường nghề tiếp tục dạy nội dung hiện hành cho tới khi có văn bản mới. Chúng tôi cố gắng ban hành thông tư khả thi, thực tế.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng một số văn bản phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, giải pháp khắc phục là gì?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời: Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành 75 luật và nghị quyết, đây là cố gắng rất lớn, được dư luận đánh giá khá tích cực. Tuổi thọ trung bình của một luật là 10 năm, trung bình 5 năm sửa đổi một số điều, 10 năm sửa đổi tổng thể. Trong nhiệm kỳ vừa qua có những luật có tuổi thọ dưới 5 năm, như Luật Đầu tư công, đó là để đáp ứng yêu cầu của một đất nước đang phát triển. Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả vẫn là mong muốn của chúng ta.

Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 4
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời câu hỏi.

Về giải pháp, hiện chúng ta đang tổng kết nhiều Nghị quyết của Đảng như các Nghị quyết 48, 49, sắp tới sẽ đề xuất ban hành nhiều văn bản luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, bộ ngành; nâng cao vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia; chúng tôi cũng rất muốn Quốc hội và các cơ quan và dư luận tiếp tục giám sát để nâng cao chất lượng các dự án luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi dành cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là giải pháp phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: "Bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt”. Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp.

Đến nay, chúng ta đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch rất cao, phải kiểm soát rất chặt. Căn cơ hơn nữa ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế";  tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch.

“Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở như vậy phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021.”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về nghiên cứu, phát triển vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thời gian nghiên cứu, phát triển một vaccine bình thường kéo dài 5-10 năm để xem vaccine đó có tác dụng phòng bệnh không, trong bao lâu, có tác dụng phụ gì. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu vaccine Covid-19, trong đó có trên 150 ứng viên, Việt Nam có 4 ứng viên. Có 32 vaccine đã tiến hành thử nghiệm trên người trong đó có 10 vaccine đã thử nghiệm vòng 3 với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Trung Quốc có 4 vaccine, Mỹ có 4 vaccine, Nga có 1 vaccine, Anh có 1 vaccine. Trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vaccine. Mua vaccine nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vaccine toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vaccine giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán cho chương trình này.
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm. "Việt Nam vẫn yên bình như hôm nay thì phải chung sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở… Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thực chất nguyên nhân gây ra đượt lũ lụt lịch sử tại miền Trung là thiên tai và nhân tai. Chúng ta cần có những giải pháp nào để bảo đảm an toàn cho người dân?

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi dành cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng quy định theo Luật Giáo dục đại học hay không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời: Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Luật Giáo dục đại học hiện hành đã quy định rất rõ: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Như vậy, các chức danh lãnh đạo bao gồm Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền phê chuẩn; trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công nhận hoặc phê chuẩn.

Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh 5
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn sáng 6/11.

Như vậy, “có nghĩa là nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng của trường Tôn Đức Thắng, mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, “đây là một trường hợp rất đặc thù, vì Hội đồng trường của ĐH Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn là chậm trễ, do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Cho nên, tới thời điểm mà Ban Giám hiệu của Đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm cả Hiệu trưởng nhận kỷ luật của Đảng, thì Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường, vì vậy nó có câu chuyện không rõ ràng ở chỗ này”.

Chính vì lý do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải vào cuộc và trực tiếp lập một đoàn do Thứ trưởng vào làm việc trực tiếp để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Theo đó, trước hết phải thành lập lại Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Và Đoàn đã làm việc rồi, sẽ có báo cáo và sẽ có hướng dẫn.

“Tinh thần tôi nhắc lại là trường Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, có được ngôi trường như ngày hôm nay có thể nói là một điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, của chính quyền TP Hồ Chí Minh, của Tổng Liên đoàn, của tập thể cán bộ, giáo viên của Ban lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng, gồm có Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng là rất đáng trân trọng. Còn việc xử lý cán bộ thì phải theo các quy định của Đảng và pháp luật công chức và theo thông lệ quản lý cán bộ. Ví dụ như là kỷ luật hành chính thì đồng bộ với kỷ luật Đảng mà chúng ta vẫn thực hiện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tán thành với “vế trả lời thứ nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng “áp dụng pháp luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là sai”, song ông Lê Thanh Vân muốn trao đổi lại với Phó Thủ tướng về “vế thứ hai”. Theo đó, Phó Thủ tướng nói rằng do Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng giải thể trước, bây giờ phải kiện toàn lại thì chỗ này không đúng. Bởi theo ông Lê Thanh Vân, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn chức danh Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là phải theo luật. Tức là vế thứ nhất, Phó Thủ tướng trả lời đúng”. Do vậy, “việc làm đúng đắn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chỉ có thể can thiệp vào đối tượng quản lý của mình, đó là viên chức thuộc quyền của mình; chức danh Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường quyết định, thì Hiệu trưởng chưa bị bãi nhiệm, chưa bị cách chức”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Khẳng định đây là quy định của luật, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, “các cơ quan có đơn vị đại học trực thuộc nên tôn trọng Luật Giáo dục đại học. Tự chủ giáo dục đại học là một chủ trương tự chủ rất tiến bộ. Quốc hội vừa thông qua Luật này, chúng ta phải tôn trọng và thi hành triệt để”.

Ngay sau đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân về nội dung này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu còn có quan điểm khác nhau, đề nghị tiếp tục tranh luận trực tiếp, dành thời gian cho Quốc hội thảo luận các vấn đề quan trọng khác. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về quy định mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, hiện vẫn chưa thống nhất. Đại biểu cũng đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển các mạng xã hội nội địa của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ ban hành 2 thông tư hướng dẫn Luật Du lịch. Về mô hình quản lý khu du lịch, nội dung này chưa hoàn thành. Mô hình gắn với công tác quản lý và tổ chức bộ máy, tổ chức bộ máy không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đây là chỗ rất khó mà trong quá trình Bộ nghiên cứu, tham mưu, vừa rồi chúng tôi đã tổ chức các hội nghị hội thảo về các mô hình này, nơi thì là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thuộc huyện, thuộc Sở VHTTDL… Theo tôi, Bộ trưởng Nội vụ rõ hơn về vấn đề này; nhưng thực tế tùy thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu và sớm nhất đầu năm sau sẽ có hướng dẫn và đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp giải quyết.

Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn tỉnh Cà Mau) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đột phá nhằm thực hiện tốt hơn nữa về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và về liên kết phát triển vùng?

Đại biểu Phan Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về nhà ở cho người thu nhập thấp. Đại biểu cho rằng ở hai thành phố lớn, bất động sản không theo nhu cầu thị trường, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp rất khó khăn, đây là vấn đề bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn tỉnh Kiên Giang) đặt câu hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cử tri phản ánh điều trị bệnh theo BHYT vẫn phải bỏ tiền túi mua thuốc, Phó Thủ tướng chỉ đạo như thế nào để giải quyết tình trạng này, chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân? Xin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp giảm tải cho giáo viên?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi rất ý thức vấn đề giảm tải cho giáo viên bằng những quy định, chỉ đạo rất thiết thực, trước hết giảm số hồ sơ, sổ sách giáo viên phải quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát tinh giản chương trình hiện hành; xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn trực tuyến. Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai nghiên cứu, rà soát tính toán lại định mức cho giáo viên.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi với Bộ trưởng NN&PTNT về khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển và xây dựng các công trình thủy lợi tại địa phương?

Đại biểu Hoàng Văn Niêm (Đoàn tỉnh Long An) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH về chênh lệch lớn về lương hưu giữa những người nghỉ hưu trước và sau năm 1993, giải pháp cho vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời: Đây là một day dứt trong quá trình làm chính sách xã hội. Hiện có 592.000 người hưởng lương hưu trước năm 1993, trong đó 60% số người nghỉ hưu sớm trước tuổi, mức lương rất thấp. Từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh lương hưu cao hơn mức bình quân tuy nhiên vẫn rất thấp. Chúng ta chỉ có thể xử lý căn bản vấn đề này khi điều chỉnh chính sách tiền lương.

Đại biểu Vũ Thị Thủy (Đoàn tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi về tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình đất nước, giải pháp của Bộ TT&TT là gì?...

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn tỉnh Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT về quy định tác nghiệp báo chí và việc xử lý tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” trên báo chí. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cũng chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về những hành động tiếp theo để các trường đại học được tự chủ về nhân lực, bộ máy, tài chính, từ đó tự chủ về chuyên môn?

Đại biểu Huỳnh Quốc Phòng (Đoàn tỉnh Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ VH&TTDL về giải pháp trước thực trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong một bộ phận xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn tỉnh Bến Tre) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thú ý hiện còn chưa thống nhất ở các địa phương, không theo quy định của Luật Thú y, đâu là giải pháp điều chỉnh?

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hiệu quả đầu tư (ICOR).

Đại biểu Trần Dương Tuấn (Đoàn tỉnh Bến Tre) chất vấn Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển lĩnh vực văn hóa.