Theo dự kiến, ngày 26 -27/10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019...
Ngày 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021...Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.Ảnh: TTXVN |
Đồng đánh giá cao những kết quả đất nước ta đạt được thời gian qua, ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) chia sẻ, ông rất ấn tượng khi 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2018 đều đạt và vượt. GDP tăng trưởng từ trung bình 5,91% giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng lên 6,57% giai đoạn 2016 - 2018, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, nợ công, nợ xấu giảm, FDI 2018 ước đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay…
Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện… Bên cạnh đó kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước. Bản thân đại biểu và cử tri cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn.
ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) |
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ
ĐB Quốc hội Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Quốc hội nhưng lưu ý một số vấn đề như sắp xếp, tinh giản bộ máy việc triển khai còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn lúng túng… Việc tháo gỡ các nút thắt của cơ chế, chính sách vì còn những điểm chồng chéo, không đồng bộ.
Trong khi đó ĐB Quốc hội Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nhận định, có những tín hiệu đáng mừng trong thu chi ngân sách như giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, nhưng việc chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ.
Đại biểu phân tích, nguyên nhân chủ yếu chi thường xuyên lớn là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tổ chức trung gian, số người hưởng lương từ ngân sách còn rất lớn. Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, giảm trên 86 nghìn biên chế… Thực hiện hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu đề ra thì còn những bất cập, hạn chế, khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ly (đoàn Bạc Liêu) cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các báo cáo của Chính phủ đã không né tránh các bất cập trong chỉ đạo, điều hành. Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.
ĐB Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông). Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng qua 3 năm thực hiện cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết, đạt kết quả bước đầu, khắc phục được tình trạng dàn trải nguồn vốn. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực, cụ thể là nguồn vốn cho ngân sách còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là chưa chú trọng đúng mức việc đánh giá nguồn lực khi xây dựng chính sách, triển khai thi hành.
Theo ĐB Quốc hội Lại Xuân Môn (đoàn Cao Bằng), sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt trên 5 điểm.
Đó là, Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sác đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Cuối cùng, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an
Vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đã đạt được, ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cũng nhìn nhận "với bề bộn những khó khăn, tôi và các đại biểu hết sức lo lắng". Đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề thất thoát lãng phí trong đầu tư công, như các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương; và hiện giờ là một số dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Như, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng; những dự án đường sắt đô thị đội vốn. ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu thông tin thêm, theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD.
"Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh", đại biểu nói.
Ngoài ra, những tồn tại trong nền kinh tế như thu ngân sách, nợ thuế, những vấn đề của ngành giáo dục cũng được ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi, để lưu ý Chính phủ thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ để điều chỉnh kịp thời.
ĐB Quốc hội Trần Chí Quang (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, còn nhiều vấn đề của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa phát huy hết được ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới, cuộc cách mạng 4.0 chưa thực sự lan tỏa trong nền kinh tế.
Qua đó đại biểu nêu nhiều kiến nghị như tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
ĐB Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội). Ảnh: TTXVN. |
Cần xây dựng Việt Nam số, xã hội số
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) góp ý, cần có chính sách thúc đẩy nhanh, mạnh công nghệ thông tin để phát triển nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Theo đại biểu, CMCN 4.0 về bản chất là một quá trình chuyển đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua - bán sang thuê và cung cấp dịch vụ, hay còn gọi là nền kinh tế - mọi thứ như là dịch vụ. Những ví dụ như Amazon, Alibaba, Uber,… là những ví dụ tiêu biểu cho các xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp một nền kinh tế - mọi thứ như dịch vụ được hình thành.
"Trong CMCN 4.0, CNTT trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và CNTT không còn và không nên được coi là một ngành riêng cũng không chỉ là ngành hạ tầng của hạ tầng mà cần thiết được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động tương tự như yếu tố nguồn nhân lực, yếu tố tài chính, là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số", đại biểu nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo ĐBQH đoàn Hà Nội, so với trình độ phát triển CNTT thế giới, CNTT tại nước ta đang tụt hậu rất xa và chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế, xã hội hay trong điều hành Chính phủ.
Trước thực trạng trên, đại biểu đề xuất, trước hết cần nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số. Và Chính phủ nên nhanh chóng đưa ra danh sách các tài sản số quốc gia cần được xây dựng, hướng đến xây dựng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh...
Tiếp theo, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng, chưa đầy đủ về công nghệ thông tin. Để khắc phục những thiếu sót này cần điều chỉnh ngay các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin đang triển khai phân tán rời rạc về thành một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp liên thông; xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu, định danh điện tử và quyền riêng tư về dữ liệu.
"Phải tạo lập Việt Nam số, xã hội số để người dân trở thành công dân số", đại biểu nhấn mạnh và bày tỏ việc Việt Nam có tranh thủ thời cơ và không bị tụt hậu trong CMCN 4.0 hay không phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Chính phủ. Một cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch về lĩnh vực này sẽ được xem như là tài nguyên quốc gia lớn nhất trong thời đại CMCN 4.0 này.
ĐB Quốc hội Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quochoi.vn |
Đề nghị sát nhập thêm tỉnh thành, như "Hà Nội và Hà Tây"
Phát biểu đóng góp về tình hình tinh giản biên chế tại phiên thảo luận, ĐB Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Đại biểu cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều". Hiến kế một giải pháp cho vấn đề trên, đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành.
"Nhìn sang các nước láng giềng, có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã 63 đơn vị", đại biểu dẫn dụ đồng thời cho rằng, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.
"Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", đại biểu Hạ nói và khẳng định đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề xuất tăng cường hợp nhất một số chức danh. "Vừa qua Chính phủ triển khai Nghị quyết về tinh giản biên chế của Quốc hội khá quyết liệt, Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định liên quan. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước... tạo ra chuyển biến tích cực. Tính chung thời gian qua đã tinh giản được trên 16.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 biên chế công chức", đại biểu chia sẻ.
Tuy nhiên đối chiếu các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương, đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.
"Đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng", ông Thăng nói.
Trong khi đó, đại biểu Cao Đình Thưởng thì cho rằng, chủ trương về việc tinh giản biên chế rất tốt nhưng chưa có hướng dẫn khiến địa phương lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau. Việc giảm biên chế còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo để thực hiện thống nhất.
Tín dụng đen tạo ra "hoàn cảnh chị Dậu mới"
ĐB Quốc hội Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) bày tỏ lo lắng tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, bủa vây những người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, đến các ngõ ngách, bản làng.
Theo đại biểu, người dân vùng đồng bào dân tộc bản chất thật thà, khả năng thích nghi phòng vệ, đề kháng còn hạn chế. Vì hoàn cảnh túng quẫn, bí bách, chấp nhận vay. Đã vay thì không thể cưỡng lại. "Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen, buộc họ mất đất, mất tư liệu sản xuất, mất cả nhà, đẩy gia đình vào cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, trở thành "hoàn cảnh chị Dậu mới", thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội.
Trong khi đó, cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý, cả về hình sự, hành chính, bởi các quy định vừa bất cập, thiếu, không chặt chẽ. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt chỉ đạo ngăn chặn tình trạng này.
ĐB Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên). Ảnh: Quochoi.vn |
Một dự án mất hàng năm để làm thủ tục
ĐB Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho rằng, việc thực hiện không nhất quán các cơ chế chính sách, các cam kết hợp đồng của một số cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư, đã đang và sẽ đem lại rủi ro về doanh thu. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT.
Minh chứng rõ hơn về những bất cập trên, ĐB Nhã nêu thực tế của CTCP Đầu tư Đèo Cả (đang là nhà đầu tư BOT hầm Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cù Mông và mở rộng hầm Đèo Hải Vân).
Theo đó, mức thu phí qua hầm Đèo Cả chỉ được thu bằng phí đường bộ quốc lộ 1 là thấp trong khi suất đầu tư Hầm đường bộ cao là không hợp lý. Mức thu này kéo dài chậm đổi mới. Thứ hai, phương án tài chính để hoàn vốn bù vào 2 khoản mà công ty đã ứng ra cho NSNN 900 tỷ đồng để mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 1; và 300 tỉ đồng xin vận hành đèo Hải Vân. Nhưng thực tế, từ năm 2016 đến nay không thể thực hiện thu phí do không thể lập thêm thu phí ở đường Nam hầm Hải Vân, vì trước đó Bộ GTVT đã lập sai vị trí trạm thu phí Bắc đèo Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia.
"Điều này làm thất thu khoảng 4.000 tỉ đồng của công ty. Đồng thời, đòi hỏi Nhà nước phải bố trí ngân sách Nhà nước để duy trì vận hành của đèo Hải Vân theo đúng cam kết", ĐB khẳng định.
ĐB Đinh Văn Nhã cho rằng nếu không giải quyết các vấn đề của chủ đầu tư BOT, vài năm nữa Công ty Đèo Cả buộc đóng hầm Đèo Cả, dở dang dự án đèo Cù Mông và bàn giao cho nhà nước dự án hầm Hải Vân.
Phát biểu sau ĐB Nhã, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị Chính phủ ráo riết thực hiện cải cách hành chính, thực hiện các dự án đầu tư nhanh chóng. Theo ông Phương, hầu hết dự án mất nhiều thời gian do chờ đợi từ các cơ quan chức năng.
"Một dự án nhỏ nhưng có khi mất hàng năm mới làm xong các thủ tục. Vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, việc phân bổ vốn đầu tư cho dự án chậm khi phải qua nhiều trung gian. Dự án muốn rót vốn phải làm hồ sơ lên Bộ. Trong Bộ có nhiều Cục, trong Cục có nhiều phòng ban phụ trách. Quá trình nhiều tầng nấc nên dự án mất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều dự án bổ sung một hạng mục cũng mất hàng năm trời mới được cấp vốn", ông nêu.
Còn ĐB Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) nêu, rủi ro chính sách tại các công trình đầu tư theo hình thức BT, BOT đã làm nản lòng các nhà đầu tư, và gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thủ tục hành chính đưa ra. “Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đủ để khơi thông dòng vốn này phục vụ có hiệu quả cho phát triển đất nước”, ĐB kiến nghị.