Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội giám sát tối cao về phòng cháy chữa cháy: Lo lỗ hổng về nhận thức, khoảng trống trách nhiệm

Nguyễn Vũ – Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/11, Quốc hội đã giám sát tối cao về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018”.

Trong đó, các đại biểu (ĐB) đã đặt vấn đề, lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và “bịt” lại, kinh phí thiếu sẽ được quan tâm cấp bù, nhưng lỗ hổng về nhận thức, khoảng trống về trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”.
Chưa thẩm duyệt, nghiệm thu đã sử dụng
Thống kê tại báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
 Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Duy Linh
Trước những con số này, ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi, “tại sao còn tình trạng trên? Do chủ đầu tư vi phạm hay có tiêu cực trong kiểm tra, xử lý sai phạm? Điều gì xảy ra nếu hỏa hoạn tiềm ẩn xảy ra ở hàng trăm cao ốc?”. ĐB Xuân đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này.
Dẫn lại những vụ cháy vừa qua xảy ra khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, ĐB đặt vấn đề: “Hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhưng bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức, bị xử lý liên quan trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác PCCC?”. Đồng thời cho rằng, xử lý cán bộ không tương xứng với tồn tại, vi phạm, sai phạm, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vừa qua. ĐB đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội tới đây cần quy định một điều tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ về PCCC.
Một trong những vụ việc khác cũng được nhiều ĐB dẫn ra liên quan đến vụ cháy ở chung cư Carina tại TP Hồ Chí Minh. Hậu quả đã rõ, song điều khiến ĐB băn khoăn, trăn trở, đó là “công tác PCCC đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót”.
Phương châm “4 tại chỗ” không ngoài mục đích "nước xa không cứu được lửa gần", tuy nhiên, thực trạng trên có phải phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao chỉ có khoảng 26% số vụ hỏa hoạn được dập tắt bởi lực lượng tại chỗ? Trong khi đó, cũng qua giám sát cho thấy, số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước, bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn.
Hãy ngừng "văn hóa đổ lỗi"
Qua tham gia một số đoàn giám sát, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) thấy rằng, có sự chồng chéo bất cập và thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật, không chỉ là những pháp luật trực tiếp về PCCC mà cả các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực... Đây là những nguyên nhân khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.
“Lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân nói không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ thì được xử lý rất ít” – ĐB nói.
Đồng thời, ĐB cũng chỉ ra, thực tế cho thấy khi sự cố cháy nổ xảy ra thì lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương các địa phương khác quan tâm tới công tác phòng, chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì các địa phương khác rà soát việc phòng, chống cháy nổ ở các quán karaoke. Hay cháy chung cư ở một vài địa phương thì người dân cũng như chính quyền ở các địa phương khác bắt đầu quan tâm lo lắng và cũng rà soát nhiều hơn tới việc phòng chống cháy nổ. “Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì đang có vấn đề là đổ lỗi trách nhiệm.
Trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới quy do trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành” – ĐB thẳng thắn chỉ rõ. Từ đó, đề nghị hãy nhìn thẳng vào các tồn tại, phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện. Hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.
ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cũng cho rằng, cần phải tìm hiểu và xác định rõ hơn về các nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của cháy nổ trong tình hình thực tiễn hiện nay. Vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật PCCC và nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng.
“Tôi cho rằng, kết quả giám sát đã chạm được nhiều vấn đề lớn, nhưng vẫn cần làm rõ nguyên nhân vì sao” - ĐB nói. Đồng thời đặt vấn đề, có phải do thủ tục quá rườm rà hay do chủ DN cố tình chây ì, lách luật và hàng nghìn công nhân, lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình, dự án đó có được an toàn hay không. Từ đó, phải có phương án xử lý nghiêm minh, chính xác và để làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Điều mà các ĐB lưu ý, đó là sau giám sát, những hạn chế, tồn tại sẽ được chấn chỉnh thế nào? Vì theo nhận định của đoàn giám sát, sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra lại không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn PCCC, thì tình trạng “ném đá ao bèo” liệu có lặp lại?

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.


ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương): Cần cái tâm cương quyết không thỏa hiệp

Chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn, dù có tổ chức bao nhiêu lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó mong công tác này hiệu quả. Do đó, cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của DN và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy để không còn tái diễn những thảm kịch.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà:  Sẽ tổ hợp lại quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy

Mặc dù hệ thống quy định cơ bản phủ hầu hết lĩnh vực về xây dựng và đủ sức điều chỉnh hoạt động thực tiễn về PCCC, tuy nhiên, hạn chế căn bản là còn tản mạn, một số nội dung lạc hậu. Trong khâu tổ chức thực hiện, có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Đồng thời, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn”. Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế khuyết điểm trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian, tới Bộ Xây dựng sẽ làm hết sức mình góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC. Đồng thời cho biết, sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, tổ hợp lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gọn, dễ tra cứu, dễ áp dụng để vừa đáp ứng PCCC, vừa tạo điều kiện cho DN; sẽ ban hành 2 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và về PCCC.