Là một người có nhiều năm hoạt động trong Quốc hội, từng đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội đồng bầu cử T.Ư, ông đánh giá thế nào về việc triển khai cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, với nhiều điểm mới theo tinh thần Hiến pháp 2013? Trước khi nhắc đến cuộc bầu cử quan trọng lần này, tôi muốn nhắc lại những bài học sâu sắc từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 70 năm. Có thể nói, cuộc tổng tuyển cử cách đây 70 năm đã góp phần khẳng định Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và buộc thế giới phải công nhận. Đồng thời, thể thiện tầm nhìn của Bác Hồ về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền trong tương lai khi QH đã xây dựng đựng Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử tuy diễn ra trong khói đạn nhưng số lượng cử tri đi bỏ phiếu đã khẳng định được sự ủng hộ của người dân với luồng gió dân chủ. Đặc biệt, việc cử tri Hà Nội lựa chọn từ 74 ứng cử viên chọn ra được 6 người trúng cử đã thể hiện được tinh thần tập trung dân chủ của cuộc tổng tuyển cử.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trả lời trực tuyến |
Cuộc tổng tuyển cử đã lựa chọn ra được những nhân sĩ yêu nước, hết lòng vì Nhân dân. Bài học quan trọng nữa của cuộc tổng tuyển cử lịch sử này là về vấn đề tuyên truyền, đưa thông tin về bầu cử đến toàn dân. Về công tác chuẩn bị của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp lần này, có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công việc từ chuẩn bị, ban hành văn bản, hướng dẫn, đến việc triển khai của các cấp đề được thực hiện rất bài bản, đúng thời gian. Đây là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội tới khóa XIV rồi, nên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, những gì là nhược điểm đã được khắc phục và đang cố gắng phát huy cái tốt. Lần này chúng ta đã có những cố gắng để đảm bảo công khai, dân chủ tốt hơn. Điều thể hiện rõ nhất là Luật bầu cử ĐB QH và HĐND và các văn bản hướng dẫn được ban hành, đã có nhiều tiến bộ, công khai, dân chủ hơn trong đời sống chính trị của đất nước. Tôi nghĩ rằng đây là điểm tốt và tin rằng ở cuộc bầu cử lần này, những vấn đề về dân chủ, công khai được đảm bảo, cuộc bầu cử ĐB QH cũng như HĐND có chất lượng, sẽ chọn ra được những ĐB xứng đáng làm tròn trách nhiệm của mình. Đó là điều chúng ta mong muốn và cố gắng triển khai để đạt yêu cầu đó. Đặc biệt, vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền cho công tác chuẩn bị bầu cử và tiến hành bầu cử là vô cùng quan trọng, góp phần để người dân biết, hiểu sâu sắc hơn về những điểm mới của cuộc bầu cử lần này. Tính dân chủ của cuộc bầu cử lần này cũng thể hiện ở việc số người tự ứng cử rất cao. Đây được coi là một yếu tố tốt để lựa chọn được những ứng cử viên chính thức tiêu biểu nhất. Ông có nhận xét gì về việc này? Theo quy định của Hiến pháp, người đủ 21 tuổi trở lên đều được ứng cử (bao gồm cả được đề cử và tự ứng cử). Điều đó thể hiện tính dân chủ của chế độ ta. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, đã có nhiều người tự ứng cử được trúng cử. Có 2 đại biểu ở tuổi 22 trúng cử ĐB QH là ông Nguyễn Đình Thi và ông Đào Thiện Thi. Họ đều là ĐB trẻ nhưng có tài năng và uy tín. Việc công dân tự ứng cử, nhất là người ngoài Đảng là cần thiết và chúng ta khuyến khích điều đó. Tuy nhiên, tỷ lệ người ngoài Đảng là ứng viên vẫn chưa được như chúng ta mong muốn. Vì thế, chúng ta mong muốn những người tự ứng cử là người ngoài Đảng để có được cơ cấu hợp lý. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, tôi thấy có mấy vấn đề cần lưu ý là điều kiện của người tự ứng cử còn dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc nào. Như các nước, người muốn tự ứng cử thì phải có một số điều kiện như phải lấy được đủ chữ kí của 100 người hoặc 1000 người ủng hộ. Hoặc như người tự ứng cử phải có một khoản kinh phí cho bộ máy bầu cử hoạt động, sau khi trúng cử thì được lấy lại khoản tiền đó, còn nếu không trúng cử thì không được lấy lại. Một số nước quy định số tiền này là 500 USD hoặc 1.000 USD. Nhưng trong Luật bầu cử của chúng ta không có những điều đó. Tôi nghĩ, sau này phải có những điều kiện tối thiểu này để sàng lọc người tự ứng cử tốt hơn. Từ trước đến nay, bao giờ ta cũng mong đợi số người tự ứng cử, số người ngoài Đảng có một tỷ lệ trúng cử hợp lý, ít nhất là 10% có nghĩa là có 500 ĐB QH thì phải có ít nhất 50 là người ngoài Đảng hoặc là 50 người tự ứng cử được trúng cử. Tuy nhiên, thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, lần đạt cao nhất là 4 đại biểu trúng cử, chưa đạt tới 1%. Trong cuộc bầu cử năm nay, tại Hà Nội, trong số 48 người tự ứng cử, qua hiệp thương chỉ còn có 2 người. Đây là con số rất đáng chú ý. Dù tiêu chuẩn của Hà Nội so với các địa phương khác cao hơn nhưng nên cân đối con số này hợp lý hơn. Theo tôi, số người ứng cử ngoài Đảng qua vòng hiệp thương nên là 5 người với cơ cấu doanh nghiệp, kỹ sư, bác sĩ… Còn nhớ đến cuộc tổng tuyển cử năm 1946, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người ứng cử ngoài Đảng rất đặc biệt. Tuy trượt ĐB QH khóa I nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì và sau đó là ĐB QH từ khóa II đến khóa VI, đóng góp rất nhiều cho quá trình lập pháp trong nhiều năm. Liên quan đến cơ cấu ĐB, cần giảm bớt tỷ lệ bởi vẫn còn tình trạng một người phải gánh nhiều cơ cấu như trẻ, nữ, dân tộc… Trước một nhiệm kỳ mới, nhìn lại một nhiệm kỳ QH vừa qua, nhiều ĐB đã chia sẻ, ngoài những điều đã được làm được, Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn còn những “món nợ” với cử tri. Ông nghĩ sao về những tâm tư này? Tôi đồng tình và chia sẻ với các đại biểu quốc hội có tâm tư như vậy. Tôi thấy các ĐB phát biểu rất chân thực, phản ánh đúng những điều được và chưa được trong hoạt động của QH. Sau 30 năm Đổi mới, vai trò của QH đã quan trọng hơn. Dù Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo nhưng QH đã đóng vai trò xem xét những vấn đề hành pháp quan trọng, góp phần lớn vào thành tựu của công cuộc Đổi mới. Đúng là trong 5 năm qua, QH đã làm được nhiều việc, đây là một nhiệm kỳ có nhiều hoạt sôi động sôi nổi với nhiều sáng kiến, đạt kết quả tốt. Nó cũng phản ánh tiến trình tiếp tục đổi mới ở QH theo tinh thần khóa sau kế thừa những thành quả khóa trước đã làm được. Tuy nhiên, đây vẫn là luật khung, chưa đi vào cuộc sống. Theo tôi, 3500 giấy phép "con" là điều đáng suy nghĩ, là điều đáng phê phán khi nó cản trở doanh nghiệp, Nhân dân làm ăn và làm giàu chính đáng. QH vẫn chưa làm tròn trách nhiệm lập pháp của mình. Luật phải chờ các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, hoặc Thông tư hướng dẫn của liên Bộ thì luật mới vào cuộc sống. Hay trong giám sát dù tiến bộ nhưng vẫn chưa phải là tốt. Ví dụ như vấn đề nợ công, tham nhũng, an toàn thực phẩm, nông sản hàng hóa, công bằng xã hội…vẫn còn rất nhiều nhức nhối. Tôi nghĩ các phát biểu của ĐB là tâm huyết, chân thực và những bài học kinh nghiệm đó đòi hỏi QH Khóa XIV phải giải quyết bằng được. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề ngân sách, QH cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình khi để nợ công, nợ nước ngoài tăng cao. Vai trò giám sát của QH chưa đi đến cùng. Với tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình, hết lòng với công việc, QH đã được Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn một số “khoảng trống” trong hoạt động của cơ quan lập pháp cần phải rút kinh nghiệm để bổ sung trong khóa XIV. Trong đó có những tồn tại “kinh niên” như nhiều việc chưa được đi đến cùng. Khách quan mà nói, trong nhiều vấn đề các ĐB QH đã nêu được các hiện tượng nhưng quy trách nhiệm thì chưa rõ ràng, chưa đi đến cùng. Ví dụ, vấn đề tiêu thụ nông sản, chúng ta đang có mô hình rất hay là mô hình 4 nhà: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học và nông dân. Nhưng vẫn chưa thực hiện được. Vấn đề này đã được nêu ở QH nhiều lần, chất vấn nhiều lần nhưng chưa đi đến cùng. Ngay trong các phiên họp của QH gần đây, cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn chưa dứt và QH cũng không có nghị quyết về vấn đề này.