Quốc hội nghe báo cáo về tình hình Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối giờ chiều 5/6, Quốc hội đã họp kín nghe Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình Biển Đông.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 5/6, trao đổi với báo chí, các ĐB Quốc hội cũng bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này. ĐB Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ: "Điều tôi chờ đợi là biện pháp, cách thức, định hướng, kế hoạch mà Đảng, Nhà nước phải làm, sẽ làm như thế nào để tiếp tục khẳng định chủ quyền của chúng ta và an lòng dân. Trong thâm tâm tôi rất muốn Quốc hội phải có tiếng nói chính thức". ĐB Sơn cho rằng: Về phương diện ngoại giao, chúng ta phải cân nhắc trong bối cảnh cụ thể hai nước để đưa ra phản ứng. Tôi tin rằng Đảng và Nhà nước đã có những tính toán cụ thể để đưa ra quyết định, không tự đặt mình vào tình thế khó khăn, đồng thời tìm tiếng nói chung, cách đi để chúng ta không lúng túng.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Năm ngoái, với sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Quốc hội đã đưa ra thông cáo lên án hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc xây dựng cải tạo, nâng cấp các đảo đá, đảo nửa chìm nửa nổi thành các công trình quân sự quy mô lớn tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam nên các ĐB Quốc hội và người dân đang trông chờ những động thái kiên quyết hơn từ Quốc hội về vấn đề Biển Đông, lên án mạnh mẽ hơn đối với hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) bày tỏ quan điểm: Dù Quốc hội ra nghị quyết nhưng có đúng theo trình tự pháp luật không hay chỉ là lời hiệu triệu thì hiệu quả sẽ không cao. Quyết sách của chúng ta phải hết sức mềm dẻo, khôn khéo về tình hình Biển Đông. Phải tuyên truyền để các nước ủng hộ mình và yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng Công ước về Luật Biển 1982.