Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội "quyết" cá nhân được tham gia điều tra cơ bản về dầu khí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/11, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương 69 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam. Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trước khi Dự án Luật được thông qua, trong Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự Luật đã bổ sung quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Đây là chính sách mới của Dự Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới Luật khác có liên quan.

Về ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc không quy định “cá nhân” được tham gia các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí vì “sẽ không tránh khỏi tình trạng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, có thể làm thất thoát tài nguyên của đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, Dự thảo Luật quy định “cá nhân” được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí là phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Khi tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tại Chương IV dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp chỉ đạo rà soát, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính; giao Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và quy định chi tiết về cơ chế, chính sách có liên quan.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự Luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 2 khoản riêng về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: Bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ. Cụ thể, trong trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương quyết định.

Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Để thống nhất thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án dầu khí và phù hợp với tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với hợp đồng dầu khí tương đương với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khác, Dự Luật đã quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên, rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án. Các chủ thể khi thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền chịu trách nhiệm về các quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, quy định của Dự Luật không ảnh hưởng đến nội dung khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện hợp nhất. Theo đó, Dự Luật quy định Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Quá trình thảo luận, vấn đề được quan tâm là quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần được quy định theo hướng tách bạch rõ hơn giữa vai trò của quản lý nhà nước và vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Luật đã quy định rõ tại Điều 60 các chức năng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao gồm: Một là, tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí, thực hiện hoạt động dầu khí với vai trò nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo quy định tại Luật. Hai là, ký kết thỏa thuận thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước một phần hoặc toàn bộ quyền lợi của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí bao gồm cả trường hợp đặc biệt (sau khi hợp đồng dầu khí được phê duyệt); tiếp nhận, quản lý, điều hành mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn để lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới; khai thác theo chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

Dự thảo Luật không quy định điều kiện về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này.