Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Theo đó, Quốc hội đồng ý tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi tám nghìn, bảy trăm hai mươi tám tỷ đồng), bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: Vay trong nước 197.165 tỷ đồng (một trăm chín mươi bảy nghìn, một trăm sáu mươi lăm tỷ đồng); vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng (năm mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi ba tỷ đồng).Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến của đại biểu Quốc hội lo ngại các doanh nghiệp FDI tăng trưởng khá nhưng tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân thực tế chỉ đạt khoảng 10,5%. Các đại biểu yêu cầu Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất giải pháp để xử lý vấn đề này. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, chỉ đạo rà soát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách thu phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng công tác quản lý việc thu, nộp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, về chi ngân sách Nhà nước, trước ý kiến băn khoăn về cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn còn cao (chiếm 63,5% tổng chi NSNN), chi đầu tư tăng chậm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu chi theo mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Với các khoản chi sai chế độ, định mức, không đúng mục đích, một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước cho phù hợp; tiếp tục triển khai và cụ thể hóa các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm, rõ ràng, minh bạch các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.Về bội chi NSNN và nợ công, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP năm 2016 cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép, ảnh hưởng đến nợ công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù số bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng do GDP không đạt kế hoạch (giảm khoảng 600 nghìn tỷ đồng) nên tỷ lệ bội chi tính trên GDP (5,52%GDP) cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép (4,95% GDP) chưa kể số nợ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục tăng lên (63,71%), tuy nhiên, sang năm 2017 đã được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4%. Vì vậy, để bảo đảm giữ mức bội chi hàng năm, giảm áp lực gia tăng nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần dự báo, tính toán GDP sát thực tế; trong điều hành cần bám sát dự toán, ưu tiên sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN hàng năm trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (%), đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2016-2020 bội chi NSNN khoảng 3,9%GDP, dư nợ công trong mức giới hạn cho phép. Trường hợp dự báo tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch cần chủ động điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp để bảo đảm tỷ lệ bội chi trên GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.