Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư các dự án công trình đường cao tốc

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sáng 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Hà Nội, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình làm việc buổi sáng 10/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp sáng 10/6 . Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp sáng 10/6 . Ảnh: quochoi.vn

Trước đó, ngày 6/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về nội dung này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận gửi các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra, trong đó tập trung vào các nội dung: sự phù hợp của dự án quy hoạch; kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương; các cơ chế, chính sách của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng

Đồng tình cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án xây dựng công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn tỉnh An Giang) cho biết, tuyến đường này sau khi hình thành sẽ có năng lực vận hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo sức lan tỏa động lực, dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Là trục ngang trung tâm, kết nối các trục dọc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, đại biểu nhấn mạnh, hai đầu của dự án sẽ kết nối cảng biển nước sâu trong tương lai để ra Biển Đông, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Campuchia và khu vực Đông Nam Á.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 10/6. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 10/6. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cũng khẳng định, đây là dự án mang tính cấp thiết, không chỉ hình thành hành lang giao thông mà còn tạo ra một hành lang kinh tế Tây, Bắc, Trung, Nam dọc theo sông Hậu, trung tâm phát triển nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cho rằng, An Giang là vùng đất trũng, nền đất yếu của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, đề xuất triển khai thi công trong năm 2023. Đại biểu thống nhất cao đề xuất của Chính phủ trong việc áp dụng một số cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43, Quốc hội khóa XV. Với các cơ chế này, tiến độ thực hiện dự án sẽ được khả thi.

Bên cạnh đó, hiện nay giá nhiên liệu trong nước đều tăng đột biến do ảnh hưởng của các diễn biến phức tạp trên thế giới, tổng mức đầu tư các dự án thành phần chắc chắn sẽ có sự thay đổi quyết định đầu tư. Vì vậy, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cần phải có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi mức tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ.

Cần giải pháp giải quyết hiệu quả những tác động tiêu cực đến dự án

Thảo luận tại phiên họp, làm rõ thêm về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đại biểu Chau Chắc (đoàn tỉnh An Giang) cho biết, chủ trương đầu tư dự án này nếu được Quốc hội thông qua sẽ thể hiện sự tiếp tục quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Qua hơn 16 năm xây dựng, đường cao tốc nước ta đã đưa 1163 km vào khai thác, đạt khoảng 18% so với quy hoạch. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, tính số km đường cao tốc trên 1.000.000 dân chỉ đạt 2,29km, trong khi bình quân chung cả nước đạt 11,42km trên 1.000.000 dân, chỉ đạt 20,5 % so với cả nước. Đối với mạng lưới đường bộ cuối cùng chỉ đáp ứng dưới 30 % khối lượng vận tải hàng hóa, 80 % khối lượng hành khách. Trong khi đó, số lượng vận tải hành khách và hàng hóa trên năm của vùng chiếm khoảng 20% cả nước. Bình quân khối lượng vận chuyển hàng năm tăng từ 10 đến 15 %. Qua số liệu, Quốc lộ 91 đã vượt qua năng lực thông hành xe khoảng 10%/ngày/đêm.

Đại biểu Chau Chắc (đoàn tỉnh An Giang)
Đại biểu Chau Chắc (đoàn tỉnh An Giang)

Liên quan trên địa bàn An Giang, quốc lộ 91 có đến 32176 xe/ngày,đêm. Trong khi đó, năng lực thông hành xe theo quy định chỉ 10.000 xe con trên ngày, đêm, vượt quá mức thông hành xe rất cao. Song song với đó, đây là đường giao thông chính của tỉnh, đi từ cửa khẩu Tịnh Biên đến thành phố Long Xuyên là 91 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay đã xuống cấp, thường bị ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông và sạt lở.

Theo đại biểu, dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế. Nếu tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với quốc lộ 2 Campuchia đến thành phố Phnom Penh của Campuchia chỉ cần 80km vào cửa ngõ các tiểu vùng sông Mekong. Nếu nếu cảng Trần Đề, Sóc Trăng được xây dựng, đưa vào khai thác trở thành cửa ngõ sẽ là động lực kích thích tác động phát triển kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Song song đó, đây là vùng trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, có đường biên giới, đường bộ, đường biển. Nếu dự án này được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Để thực hiện tốt dự án, đại biểu Chau Chắc đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành và người dân, nhất là người có đất liên quan đến dự án thông suốt, đồng thuận cao với chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quản lý, khai thác, vận hành dự án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đúng mục tiêu đề ra quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra trục lợi, chính sách thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời tăng cường kiểm tra các nhà thầu kịp thời thời chấn chỉnh sai sót, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm. Có giải pháp giải quyết có hiệu quả những tác động tiêu cực đến dự án và thu hồi vốn.

Cần có trình tự ưu tiên rõ ràng trong triển khai các tuyến đường cao tốc

Tham gia ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng, cần ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc, đồng thời cũng cần ưu tiên hoàn thành những dự án còn đang dang dở nhiều năm. Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu cho rằng có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương, cần có sẵn phương án ứng phó khi địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn để thực hiện dự án.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Quảng Nam). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Quảng Nam). Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần chú trọng đấu nối giữa các con đường này với những đường cao tốc đã mở, để phát huy hiệu quả của các dự án quan trọng này, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ những địa phương có các tuyến cao tốc đi qua.

 Mong sớm được thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Việc sớm đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột là hết sức cấp thiết bởi đặc điểm địa hình vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ thì giao thông đường bộ là phương thức vận tải phù hợp nhất.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chủ yếu qua tuyến quốc lộ 19 Gia Lai- Bình Định, quốc lộ 26 Đắk Lắk- Khánh Hòa còn nhiều khó khăn, đường hẹp, đèo dốc và thường xuyên sạt lở, hư hỏng nên việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa còn rất hạn chế. Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột được đầu tư sẽ rút ngắn thời gian đi từ Đăk Lăk Khánh Hòa còn 1,5 giờ; đồng thời phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường bộ ven biển đã và đang được đầu tư kết nối, lưu thông hàng hóa giữa cảng biển quốc tế, khu kinh tế tổng hợp Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa hiện nay đang trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù là cực tăng trưởng trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch của tỉnh Đăk Lăk; tiềm năng, lợi thế kinh tế huyện, của tỉnh Khánh Hòa, tạo tiền đề, động lực mới thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: quochoi.vn

Đối với tỉnh Đắk Lắk, thực hiện ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ nhằm chia sẻ những khó khăn về tình hình ngân sách của đất, của đất nước. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Đắk Lắk đã cam kết đối ứng 50% chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh và bảo đảm bố trí vốn cam kết của tỉnh theo đúng tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Trong trường hợp tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng theo tỷ lệ 50%.

Cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk nhận thức sâu sắc ý nghĩa, những tác động tích cực của dự án sẽ mang lại đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân của tỉnh trong thời gian đến. Do đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các địa phương tích cực tham gia, phối hợp cùng với các Bộ, ngành trong công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát, hướng tuyến; khảo sát công tác giải phóng mặt bằng, tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phân công làm chủ đầu tư dự án thành phần, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tỉnh Đắk Lắk rất mong các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc do Chính phủ trình tại kỳ họp lần này, trong đó có dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột để tỉnh từng ước xứng đáng với vị thế, vị trí, vị thế đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên để Đắk Lắk và Tây Nguyên thực sự cất cánh cùng đất nước, con đường cao tốc của sự phát triển.

Chú ý mở các đường giao thông kết nối với đường cao tốc

Phát biểu ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng về đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đại biểu Nguyễn Văn Quân (đoàn tỉnh Hậu Giang) nêu 4 đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm triển khai hiệu quả dự án:

Thứ nhất, đại biểu kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp dự án vượt tổng mức đầu tư; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp không vượt tổng mức đầu tư của dự án. Đây là giải pháp cần thiết để kịp thời tháo gỡ về thủ tục, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng cao tốc nên đặc biệt chú ý mở các đường giao thông kết nối vào đường cao tốc để rút ngắn tối đa cho các địa phương có đường cao tốc.

Thứ ba, bên cạnh đầu tư giao thông đường bộ, cần quan tâm thêm giao thông đường thủy nội địa cho đồng bằng sông Cửu Long để lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nhằm nâng cao liên kết vùng, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế của vùng.

Thứ tư, đề xuất Chính phủ sớm đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết 13 ngày 2 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông.

Cần cơ chế phối hợp trong quá trình đầu tư xây dựng

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) lưu ý đối với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nên nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thành quy mô 4 làn xe theo quy hoạch hoặc đoạn có lưu lượng xe rất thấp thì trong giai đoạn 1 đầu tư hai làn xe như một số tuyến cao tốc đã làm. Đối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại biểu đề nghị đầu tư hoàn chỉnh các nút giao, cắt theo hình thức khác mức để đảm bảo an toàn giao thông.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu nhất trí tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư công. Đại biểu cũng nhất trí phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch và tách giải phóng mặt bằng tái định cư thành tiểu dự án. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu việc giải phóng mặt bằng tuyến đường song hành hai bên giao địa phương quản lý.

Về cách thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dự án hoàn thành nhận chuyển nhượng cách thức phân chia tỷ lệ thu hồi vốn giữa ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và vốn nhà đầu tư, đại biểu cho biết đây là vấn đề phức tạp liên quan nhiều đến chất lượng công trình xây dựng và các dịch vụ. Do vậy, đề nghị cần thiết nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình đầu tư xây dựng để tránh có ý kiến kiến nghị.

Cần quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình(đoàn tỉnh Trà Vinh) cho biết, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài lớn nhất cùng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa hoàn thành sẽ kết nối các tuyến theo trục dọc, giảm áp lực cho các tuyến quốc lộ đang quá tải, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước, đặc biệt là ASEAN và Campuchia. Điều này sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư các dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với 188,2 km và các tuyến cao tốc Đắc Lắk - Buôn Mê Thuột tại Quốc hội nhiệm kỳ này.

Về hình thức đầu tư, cho rằng dự án đi qua 4 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, đại biểu đề nghị nên xem xét, điều chỉnh trong Nghị quyết sẽ giao cho một địa phương làm đơn vị chủ trì giống như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để thực hiện hiệu quả hơn, đồng thời đề nghị mạnh dạn hơn nữa, phân cấp mạnh hơn nữa trong vấn đề đầu tư công này.

Trước thực trạng các dự án thành phần đường cao tốc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhu cầu sử dụng san lấp mặt bằng rất lớn, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị trong nghị quyết nên chăng cần quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua cần phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tổ chức thực hiện, bên cạnh áp dụng cơ chế đặc thù, đại biểu đề nghị nên chăng trong Nghị quyết cũng quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Về giải phóng mặt bằng, đại biểu đề nghị cần giao cho các tỉnh đảm bảo mặt bằng sạch cho các công trình giao thông của dự án.

 Cần tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn tỉnh Sóc Trăng) cho rằng: các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: quochoi.vn

Về giải phóng mặt bằng và khai thác vật liệu đắp nền, đại biểu cho biết tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.

Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh kết nối hạ tầng các đường cao tốc này với hạ tầng giao thông và hoạt động logistics để phát huy tiềm năng phát triển của các địa phương có tuyến đường đi qua.

 Kết nối giao thông đa phương thức và các vùng kinh tế trọng điểm

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ: Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá với tình hình thực tiễn khi triển khai các dự án trên, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Việc đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, đảm bảo cơ sở chính trị và thực tiễn trước yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, tuyến quốc lộ 51 từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tuyến đường bộ độc đạo nối các tỉnh miền Tây, miền Nam với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Tuyến đường này đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh nói riêng, và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dự kiến đưa vào sử dụng năm 2055, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến giao thông kết nối vùng, các tuyến đường ven biển tuyến. Hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua đoạn cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh sẽ tập trung đầu tư đồng bộ các tuyến mà Chính phủ đã giao.

Về sự cấp thiết, đại biểu nêu rõ, dự án mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nền kinh tế của đất nước. Giải quyết tình trạng quá tải mạng tải của lưu lượng xe ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại từ thành phố Biên Hòa đến thành phố Bà Rịa, giảm chi phí thời gian rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thông đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối, phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép Thị Vải.