Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU. Tiếp theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định EVIPA, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trên (“Phán quyết EVIPA”) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành Nghị quyết này là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định; đồng thời thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định.

Việc xây dựng Nghị quyết này cần bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam khi thực hiện Nghị quyết này, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định; đồng thời bảo đảm tính khả thi, ổn định và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

Dự thảo Nghị quyết có 4 Điều, trong đó: Điều 1 quy định về Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; Điều 2 quy định về Công nhận và cho thi hành Phán quyết; Điều 3 quy định về Tổ chức thực hiện Nghị quyết; Điều 4 quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Về tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Bên cạnh đó, từ năm 1995 Việt Nam đã tham gia Công ước New York năm 1958 và những nội dung của Công ước này đã được nội luật hóa tại các Chương 35 và 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, các quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 đã tạo dựng cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 21 nước thành viên EU, bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp phán quyết yêu cầu.

Với những lý do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết cũng không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện.

Ngoài ra, đối với hệ thống pháp luật, các quy định của Nghị quyết đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại...

Bên cạnh đó, đối với môi trường đầu tư kinh doanh, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày nêu rõ: Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) đã được Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 25/6/2019 và được đại diện các bên ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn EVIPA cùng với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Chủ tịch nước đã trình Quốc hội phê chuẩn EVIPA tại Kỳ họp thứ 9, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu.
 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. 
Cùng với đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tại Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 18/4/2020 và Báo cáo thuyết minh số 207/BC-CP ngày 13/5/2020, Chủ tịch nước và Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội quy định về cho phép công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA bằng một Nghị quyết riêng. Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chủ tịch nước và Chính phủ, đồng thời giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9.
Uỷ ban Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu cần thiết, được coi là phán quyết trọng tài.
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, về chủ thể và cơ chế ra phán quyết có những điểm khác với quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, cần ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế. Đồng thời, việc Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua Nghị quyết thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU là dựa trên Công ước New York năm 1958 nên chúng ta có cơ sở để thỏa thuận với EU về vấn đề này.
Các nội dung cụ thể để giao cho Tòa án xây dựng các nội dung chi tiết, công nhận và cho thi hành các cam kết của Hiệp định là một vấn đề mới chưa có thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải có sự rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan để nghiên cứu cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhằm đảm bảo tính khả thi và ổn định lâu dài của Nghị quyết thì cần giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao quy định chi tiết nội dung này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong việc rà soát lại hệ thống pháp luật. Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ tiến hành rà soát lại một lần nữa các nội dung liên quan. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp lưu ý nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã nêu lên tại phiên thảo luận.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Về sự khác biệt khi công nhận cho thi hành phán quyết đối với bị đơn là Việt Nam trong thời hạn là 5 năm hoặc dài hơn kể từ khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực và sau khi kết thúc thời gian này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Trong thời gian 5 năm đầu kể từ khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn, Việt Nam được áp dụng Bộ Luật Tố tụng dân sự để công nhận hoặc không được công nhận phán quyết. Quyết định công nhận là cho thi hành phán quyết và có thể tiến hành kháng cáo hoặc kháng nghị. Sau khi kết thúc thời hạn nêu trên, các phán quyết được coi là có giá trị pháp lý như là bản án đã có hiệu lực của Tòa án nước Việt Nam. Tòa án sẽ ra quyết dịnh công nhận và cho thi hành phán quyết. Việc quyết dịnh công nhận và cho thi hành phán quyết thì không cho kháng cáo, kháng nghị.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu Quốc hội và sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm dự thảo Nghị quyết sẽ phối hợp để rà soát lại các nội dung của Nghị quyết để trình Quốc hội.
Phát biểu kết luận về những nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Có 4 đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến, 2 đại biểu tham tra tranh luận và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của các đại biểu đối với Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU.
Các đại biểu tán thành với việc cần có một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA; khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc sớm triển khai các cam kết của Hiệp định; đánh dấu bước phát triển quan trọng giữa Việt Nam và EU cũng như các nước thành viên.
Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Về công nhận và cho thi hành Phán quyết, các đại biểu nhất trí với nội dung quy định tại Điều 2 và cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần xác định về nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận, cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam và không đặt ra một cơ chế mới về trình tự, thủ tục của việc công nhận, cho thi hành các phán quyết này.
Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về thủ tục công nhận và cho thi hành Phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA hoặc giao trách nhiệm cụ thể cho Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn về thủ tục này. Có ý kiến đề nghị giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành Phán quyết của trọng tài nước ngoài và nên thành lập một tổ công tác để nghiên cứu về vấn đề này.
Về hiệu lực thi hành, các đại biểu nhấtrí với dự thảo Nghị quyết là Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hay không đối với các nội dung của công nhận và cho thi hành Phán quyết; điều kiện, thủ tục, lệ phí khi thực giải quyết tranh chấp đầu tư…
Với những nội dung như trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Tư pháp cùng các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo lại khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần