Đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp
ĐB Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, ghi nhận sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, các giải pháp mà Chính phủ đề ra, trong đó có giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
ĐB Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội). |
Dẫn câu chuyện của Israel, các start-up nổi tiếng trên thế giới, ĐB nhấn mạnh ý nghĩa của khởi nghiệp sáng tạo với nền kinh tế và xã hội. Tại Việt Nam, cần chú trọng khởi nghiệp trong nông nghiệp nhưng việc này còn nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, cần có các giải pháp để sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước cần có chính sách đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa các đại học thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
ĐB Nguyễn Thị Lan cho rằng: Khởi nghiệp tạo ra động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế. Đó là những ý tưởng khởi tạo trong các lĩnh vực khác nhau, nên giá trị của nó không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Tuy nhiên, hiện nay khởi nghiệp vẫn khó khăn, không phải vì nguồn vốn tài chính mà thiếu kinh nghiệm, kiến thức.
ĐB đoàn Hà Nội nhấn mạnh: "Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt khó khăn. Để phát triển lĩnh vực này, Nhà nước cần hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn, gắn với mục tiêu mỗi xã một sản phẩm”. ĐB cũng đề nghị phải xem khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào mà xây dựng cơ sở mạnh, bền vững từ trong các trường đại học.
Xử lý tồn tại ngành y
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, tồn tại trong lĩnh vực khám, chữa bệnh còn nhiều, cần sự vào cuộc cả cả xã hội chứ không phải riêng ngành y tế. Tổng chi của toàn xã hội cho ngành y tế ngày càng cao nhưng vãn không đảm bảo yêu cầu.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội). |
"Bình quân chi cho y tế của Việt Nam chỉ là 140 USD, không bằng 1/2 các nước có thu nhập trung bình, không bằng 1/3 so với Trung Quốc. Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề này", ĐB nhấn mạnh.
Cũng theo ĐB đoàn Hà Nội, tỷ lệ chi cho ngân sách đang có xu hướng giảm, đầu tư cho y tế cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, cần kiểm soát mức chi còn nhiều bất cập dẫn đến bội chi của BHYT.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn kiến nghị sửa Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám chữa bệnh, trong bối cảnh cơ cấu bệnh tật đã thay đổi, nhiều loạt bệnh truyền nhiễm đã nhiều hơn.
Đề cập đến công tác chăm sóc sức khoẻ người dân, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nhận xét, trong những năm gần đây Chính phủ đã đầu tư nguồn lực và có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Để làm tốt hơn nữa, theo ông Tuấn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng ngành y tế.
ĐB đoàn Hà Nội dẫn thống kê của Tổ chức y tế Thế giới cho hay, năm 2014 tổng chi cho y tế của Việt Nam là 140 USD/người, chưa bằng 1/2 so với các nước có thu nhập trung bình là 290 USD, chưa bằng 1/3 so với Trung Quốc là 420 USD. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, ông đề nghị Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội chung tay chăm sóc sức khoẻ người dân
ĐB Nguyễn Quang Tuấn cũng đề cập đến việc tỷ lệ chi ngân sách cho y tế có xu hướng giảm. Năm 2016 là 97.600 tỷ đồng chiếm 7,67% tổng chi ngân sách; năm 2018 ước thực hiện 92.745 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng chi ngân sách, chưa tính trái phiếu Chính phủ.
"Nếu so 2 tỷ lệ % trên thì năm 2018 giảm, trong đó chi mua hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách là 22.628 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng chi ngân sách cho ngành y tế. Do vậy chưa đảm bảo chi thường xuyên cho ngành. Tôi kiến nghị Quốc hội quan tâm phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho ngành y tế", ĐB nhấn mạnh.
Đầu tư tiền bạc, trí tuệ cho văn hóa
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) nhắc lại tại các phiên họp trước, đại biểu đã nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã quan tâm hơn tới văn hóa, Thủ tướng luôn quan tâm tới vai trò của văn hóa trong đối nội và đối ngoại. Văn hóa chính là tiền đề quan trọng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018.
Nhưng, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho biết qua tiếp xúc, cử tri cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa đỉnh cao, văn hóa cơ sở... vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Cử tri mong muốn lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần được quan tâm, đào tạo, đầu tư như trên các mặt trận khác. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ, đặc biệt chưa khai thác được ở quy mô công nghiệp. "Văn hóa là nguồn lực chiến lực để phát triển đất nước ta trong thế kỷ 21", ĐB nhấn mạnh.
Do đó, ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, cần đầu tư cho văn hóa không chỉ là tiền bạc mà còn cả trí tuệ.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội). |
Hiện nay, văn hóa đi sau các lĩnh vực khác, không được quan tâm một cách đầy đủ, coi là đầu tư mà không có thu. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sáng tạo, tạo hình ảnh quốc gia. “Phải coi đây như một trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt, bởi công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều giá trị”, ĐB Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.
Tiềm năng văn hóa, kinh tế văn hóa ở nước ta vẫn chưa được khai thác cụ thể. Về du lịch văn hóa cũng chưa được tận dụng để phát triển một cách đúng mực. Do đó, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị cần phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, bởi nó sẽ là nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước.
Cần dọn dẹp thị trường ngoại tệ đen trước
Dẫn trường hợp anh thợ điện bị phạt 90 triệu vì đổi 100 USD không đúng chỗ, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng đây là điển hình thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong áp dụng.
Việc xóa bỏ tinh trạng USD hóa thị trường phải được thực thi. Tuy nhiên, những quy định cứng, không có định lượng là vấn đề. Đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng chúng ta phải giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.
Sự tồn tại của các nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, thì đó trước hết trách nhiệm phải là của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, những mức phạt phải xem xét lại, vì đổi 10 USD, 100 USD cũng cùng mức phạt với đổi 1.000 USD, 100.000 USD, đều ở mức phạt 80-100 triệu là không phù hợp.
Thị trường buôn bán có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen, ngày đêm vẫn hoạt động công khai, hầu như không được kiểm soát, xử phạt. Thiết nghĩ Nhà nước phải thu dẹp trước để người dân không bị vi phạm như anh thợ điện.
Liên quan đến công tác tư pháp ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng, cần chú ý một số vấn đề như cần minh bạch sở hữu, không phân biệt đối xử, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi tham gia các hoạt động kinh tế. Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế tư pháp để thực thi hiệu quả các cơ hội đầu tư kinh doanh. Vụ việc vừa qua "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" khiến dư luận không đồng tình, mức phạt theo quy định cũng cần xem xét lại.
ĐB Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội). |
ĐB cho rằng, cần có những giải pháp để người dân yên tâm đầu tư, với một nền tư pháp rõ ràng, thực thi nghiêm minh; việc hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế dứt khoát phải được loại trừ. "Phải coi công tác tư pháp là mắt xích quan trọng trong guồng máy phát triển kinh tế”, ĐB nói.
Thu hút nguồn lực, tránh áp lực cho ngân sách
ĐB Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Cao Bằng) cho rằng các báo cáo cho thấy kết quả đạt được và triển vọng là rất tích cực so với mục tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện.
ĐB góp ý, mức tăng năng suất lao động 6% là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng GDP. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều công trình lớn, nhưng thời gian tới cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ví dụ sân bay Long Thành cần đi cùng các khu đô thị; xử lý các bất cập trong đầu tư theo hình thức đối tác công tư; tập trung nguồn lực tập trung cho các công trình lớn có tác động lan tỏa, thu hút các nguồn lực khác để tránh áp lực cho ngân sách; xây dựng các trung tâm logistics đa năng kết nối đường bộ, đường thủy, đường hàng không...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cám ơn các ĐB Quốc hội có rất nhiều ý kiến quanh các báo cáo của Chính phủ. Các góp ý rất sâu sắc, toàn diện để Chính phủ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu.
Về đánh giá tình hình chung, đại đa số các ĐB đều nhận định tình hình chung cơ bản thuận lợi, nền kinh tế phát triển đúng hướng, các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... chuyển biến tích cực. Các ĐB thấy có 3 nguyên nhân cơ bản: Chủ trương của Đảng, xây dựng pháp luật và giám sát của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Tuy nhiên, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, bất cập của nền kinh tế, những rủi ro trong thời gian tới, các vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, đầu tư công, tỷ lệ hộ nghèo, xử lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... Các ĐB cũng nêu các thách thức trong thời gian tới là cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, giá dầu; biến đổi khí hậu; tụt hậu khoảng cách phát triển. GDP bình quân đầu người tăng mỗi năm mới có 150 USD, trong hai năm tới tăng 800-1000 USD là thách thức rất lớn.
Cùng với đó, càng tham gia nhiều các hiệp định FTA thì việc thích ứng càng làm tốt hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng gấp rút chiến lược quốc gia với tầm nhìn, bước đi bài bản. Các vấn đề chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động... đều xoay quanh vấn đề công nghệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ ngành đã xây dựng các kịch bản từ nay tới 2020 để chuẩn bị cho các thách thức.
Chúng ta cũng đã khắc phục một phần các tồn tại của nền kinh tế nhưng vẫn còn rủi ro, nguy cơ. Trong thời gian tới, vừa phải duy trì, củng cố đạt được, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục... Chúng tôi đồng tính với các giải pháp mà đại biểu nêu, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phát triển nhanh và bền vững, cần dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, các kết quả nổi bật thể hiện trong toàn bộ nền kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có những chuyển biến theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đã nêu là còn triển khai chậm và chưa tạo chuyển biến rõ nét, trong thời gian tới phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt hơn.
Về phát triển DN, các ĐB nêu rất nhiều ý kiến. Các DN phát triển rất nhanh, năm nay dự kiến có thêm 130 nghìn doanh nghiệp. Nhưng số DN dừng hoạt động vẫn tăng cao do quy luật cạnh tranh, đào thải, khó tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, đất đai, lao động, vừa qua các địa phương rà soát, tổng hợp đầy đủ hơn về số DN dừng hoạt động...
Hiện nay chúng ta có 702 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước, để có thêm khoảng 300 nghìn DN trong 2 năm tới thì phải triển khai các giải pháp như dễ tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục... Hiện có 5,2 triệu hộ kinh doanh, Chính phủ đã có một số giải pháp để các hộ này chuyển sang DN như xây dựng chính sách thuế, hóa đơn... tin rằng sẽ đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.
Chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá
Dẫn một số tài liệu nghiên cứu, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu vấn đề dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, đứng thứ 15/243 quốc gia, vùng lãnh thổ; diện tích đứng thứ 61; đường duyên hải đứng thứ 33/154 quốc gia có đường duyên hải; đất canh tác đứng thứ 32/236 quốc gia. "Như vậy Việt Nam nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực về dân số, diện tích đất canh tác và chiều dài đường duyên hải", ĐB nhấn mạnh.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). |
Tuy nhiên, với tiềm năng không nhỏ như trên thì Việt Nam vẫn có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới ở một số khía cạnh khác. Đó là, thu nhập bình quân đầu người 129/180 quốc gia; chỉ số ô nhiễm môi trường đứng thứ 132; chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 107; chỉ số phát triển con người đứng thứ 116, chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá.
Như vậy, nếu xét các chỉ số nêu trên thì Việt Nam chỉ nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm sau của thế giới. "Thời gian tới chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều việc cần phải làm và phấn đấu", bà Hoa nhấn mạnh.
4 điều đại biểu vừa mừng, vừa lo
Phát biểu trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) nêu những điểm mừng và lo xen kẽ.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận). |
Một là, mừng về đường lối chủ trương chính sách Đảng, tuy nhiên lo vì xem hành động có quyết liệt để đi theo đường lối hay không.
Hai là, mừng về tăng trưởng kinh tế, nhưng lo về đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều gia đình bế tắc phải tự vận.
Ba là, mừng về chương trình nông thôn mới, lo tình trạng tái nghèo, an ninh trật tự ở thành thị nông thông, như ma túy, tín dụng đen, xâm hại trẻ em.
Bốn là, mừng vì đấu tranh chống tham nhũng, lo là xử lý không đúng người không đúng tội.
Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường. Với độ mở kinh tế trên 200%, chúng ta chắc chắn sẽ chịu những thách thức. Cần nhìn lại nguyên nhân chính thành công, từ đó giúp thực hiện thành công kinh tế xã hội 2016-2020.
ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh nói thêm rằng ông "lo sức khỏe của các thành viên Chính phủ, đi công tác nhiều, tiếp xúc rất nhiều với doanh nghiệp. Nhưng đi như vậy chúng ta mới có những giải pháp cụ thể, giống như Nghị quyết 01/2018".
Bên cạnh đó, ĐB cũng lưu ý các điểm nóng gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường sắt đô thị, sân bay Long Thành, vấn đề sạt lở bờ sông. Mong Thủ tướng ưu tiên quan tâm.
ĐB Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn), ĐB Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn cùng đề cập vấn đề bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động của các nông lâm trường, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực này.
ĐB Lý Tuyết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh gia, công tác đối ngoại thời gian qua đạt kết quả rất tốt, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và mở ra nhiều cơ hội phát triển đất nước. Đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, đại biểu kiến nghị cùng với việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thì cũng cần chủ động làm tốt hơn việc dự báo tình hình, chuẩn bị các giải pháp phù hợp. ĐB cho rằng, vai trò của việc bảo vệ, phát triển rừng và kiến nghị một số giải pháp, xử lý nghiêm tội phạm khai thác trái phép đá, cát, phá rừng.
Tăng trưởng năng suất lao động cao hàng đầu khu vực
Do thời lượng có hạn, chỉ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. |
Phó thủ tướng cho biết chất lượng tăng trưởng, mục tiêu của chúng ta là phát triển nhanh, rút ngắn khoảng ách cách nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu, nhưng chúng ta vẫn phải phát triển bền vững. Phát triển nhanh, bền vững, còn phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, bền bỉ. Chúng ta đã ghi nhận 3 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, đi đúng hướng.
Tăng trưởng chúng ta toàn diện 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ở lĩnh vực công nghiệp giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng; chế biến chế tạo tăng nhanh; dịch vụ thì du lịch phát triển mạnh. Chúng ta cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước, tốc độ đều tăng 2 con số, năm nay dự kiến đạt 11,2%.
Chúng ta cũng có những bước tăng trưởng năng suất lao động cũng tăng cao hàng đầu khu vực. Tăng trưởng TFP cũng tăng trưởng cao. Hệ số ICOR đã tốt hơn. Hệ số cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, có thứ hạng cao.
Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng tiến bộ nhưng còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu, còn những yếu tố không củng cố thì sẽ thiếu bền vững.
Chất lượng tăng trưởng chuyển sang chiều sâu
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 88 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 5 Bộ trưởng tham gia phát biểu, giải trình thêm về một số nội dung. Nội dung thảo luận rộng, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. |
Đa số các ý kiến đồng tình với báo cáo; đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, ghi nhận các kết quả đạt được.
Các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả năm 2018 và 3 năm; vui mừng với những kết quả đạt được: Tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu, cao hơn giai đoạn trước, năm 2018 có khả năng vượt 6,7%; quy mô kinh tế tăng 1,33 lần so với năm 2015. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công trên GDP giảm và bảo đảm mức an toàn. Chất lượng tăng trưởng chuyển sang chiều sâu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và dầu khí. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả. Văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông có tiến bộ đáng kể. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Phòng chống tội phạm được đẩy mạnh, nhất là phòng chống tham nhũng chuyển biến mạnh...