Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường của TP Hà Nội: Giảm bớt một cấp chính quyền giúp nâng cao hiệu quả quản lý

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết (NQ) về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Hà Nội chủ động, sẵn sàng cho đổi mới
Phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương gồm 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã tồn tại trên 70 năm, qua thời gian nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy.
Sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn ngày càng rõ nét, ở đô thị có tính tập trung cao, đa dạng về nguồn lực, ranh giới địa giới hành chính không có nhiều ý nghĩa, dịch vụ công được tổ chức ở quy mô TP, hoạt động kinh doanh không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính... cho thấy một số chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp phường không còn phù hợp.
Tổ chức chính quyền cấp phường hiện nay làm bộ máy trở nên cồng kềnh, chậm quá trình triển khai chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, lãng phí nguồn lực. Việc đề xuất không tổ chức HĐND phường thực chất là không tổ chức cấp chính quyền phường, như vậy, chính quyền đô thị ở Hà Nội chỉ còn 2 cấp. Việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý, hợp với quy định của hiến pháp, pháp luật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: Duy Linh
Các chức năng có tính đại diện của HĐND phường được chuyển cho HĐND quận. HĐND quận, huyện, thị xã đại diện đầy đủ cho quyền lợi, tiếng nói của Nhân dân. “UBND phường chỉ là cánh tay nối dài của UBND quận, chịu sự giám sát của HĐND quận. Nói như vậy để thấy, tất cả các quyền của Nhân dân vẫn được bảo đảm đầy đủ”- ĐB Văn Hùng bày tỏ.
ĐB dẫn chứng, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các nước tổ chức bộ máy Nhà nước chỉ gồm 3 cấp: T.Ư, tiểu ban, chính quyền địa phương, chỉ có một vài nước tổ chức 4 cấp như Việt Nam. “Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thành công của chủ trương này, đồng thời đây cũng là ý nguyện của người dân Hà Nội được đúc kết trong Đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội do Thành ủy, UBND, HĐND TP Hà Nội xây dựng, thảo luận tại kỳ họp HĐND TP. Như vậy, Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới”- ĐB Văn Hùng nhận xét.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, qua ý kiến, tờ trình của Chính phủ, đề án về chính quyền đô thị của TP Hà Nội, báo cáo của Ủy ban Pháp luật của QH cho thấy, các tờ trình và tài liệu chuẩn bị hết sức chu đáo và đầy đủ. Điều này thể hiện TP Hà Nội dám làm, có bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng để trình QH.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường là một điểm rất là táo bạo, đổi mới để thực hiện Nghị quyết (NQ) của QH về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đây cũng là một chủ trương lớn phát động mang tính chất xã hội sâu sắc, là cơ sở từ Hiến pháp 2013.
Về thực tiễn, việc thí điểm này đáp ứng yêu cầu phát triển về trình độ đô thị hóa, hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội, yêu cầu trực tiếp đổi mới cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN tốt hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn. Giảm được đầu mối sẽ giảm được các thủ tục cho người dân và DN.
Như vậy sẽ tạo chủ động cho Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp cũng như tiến tới bầu cử HĐND các cấp TP Hà Nội.
Giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
Phát biểu thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn TP Hà Nội - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) cho biết yêu cầu xây dựng Đề án được bắt nguồn từ thực tiễn của Hà Nội. Bộ máy chính quyền của TP Hà Nội hiện nay đang từng bước thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 3 cấp đầy đủ, TP, quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống tập trung, mật độ dân số cao, nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng cấp, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính, giúp cho các quyết định điều hành của UBND, Chủ tịch UBND TP, quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Duy Linh
ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu rõ: “TP Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của Đề án khi triển khai thực hiện. TP rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của HĐND phường để đảm bảo khi thực hiện Đề án, quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế. Đồng thời rà soát lại phân cấp giữa T.Ư với TP, giữa TP với quận, huyện, xã, phường để tạo sự chủ động nhanh nhất trong điều hành hành chính của các cấp chính quyền”.
TP đang nghiên cứu, chỉ đạo để xây dựng Đề án bầu cử ĐB HĐND quận, huyện, thị xã thì yêu cầu phải có thành phần đại diện phường trên địa bàn. TP sẽ phân công, giao nhiệm vụ cho HĐND quận, huyện, thị xã thực hiện vai trò giám sát UBND phường trong thực hiện nội dung do HĐND quận giao.
Việc tiếp xúc cử tri sẽ được đảm bảo thông qua ĐB QH, Tổ ĐB HĐND TP, tăng cường tiếp xúc của các Tổ ĐB HĐND trên địa bàn mà không tổ chức HĐND phường. ĐB HĐND tỉnh, TP, quận, huyện đều phải tổ chức tiếp dân hàng tháng. “TP chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ sau khi Đề án được triển khai thực hiện. Trên cơ sở NQ của Ủy ban Thường vụ QH và các hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, TP Hà Nội xây dựng Đề án sắp xếp cán bộ, tổ chức vận hành công tác quản lý Nhà nước tại phường đảm bảo thông suốt, liên tục. Hiện nay TP cũng đã có khảo sát, phân loại và có các phương án cụ thể về công tác cán bộ, công chức, viên chức của phường trên cơ sở đó để báo cáo với các cấp theo quy định” – ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Đề án thí điểm và không vi hiến
Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐB QH Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc xây dựng đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của bản thân TP. TP mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đáp ứng yêu cầu người dân tốt hơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu: “Khi xây dựng đề án, ngay từ đầu, chúng tôi đã quan tâm đến nội dung này. Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các nhà luật học, nhà quản lý. Các ý kiến đóng góp đều cho thấy đây là đề án thí điểm và không vi hiến. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH ngày 25/10/2019, tại trang 2, dòng thứ hai từ dưới lên có nêu “nội dung của dự thảo NQ cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo NQ với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên”.
Tại trang 3, báo cáo đã nêu theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì QH ban hành NQ thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của QH nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc Chính phủ trình QH ban hành NQ là phù hợp và bảo đảm cơ sở pháp lý”. Đồng thời Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đây là nhu cầu thực sự của các địa phương, không chỉ riêng Hà Nội. Về việc thực hiện thí điểm theo NQ số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của QH, theo tổng kết, các địa phương thực hiện đều thấy cơ bản thành công. Việc thí điểm là hết sức cần thiết. Chính thí điểm mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt. Nếu chúng ta không thí điểm sẽ không tìm ra được mô hình mới.
Giải trình về dự thảo NQ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong toàn bộ dự thảo không nói đến mô hình HĐND cấp phường của quận, thị xã không hoạt động hiệu quả nên phải bỏ, mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại chính quyền đô thị. Về chế độ làm việc của UBND cấp phường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ QH báo cáo Bộ Chính trị xem xét chế độ làm việc thủ trưởng.
“Tôi đề nghị NQ có hiệu lực từ ngày 1/6/2020 để Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản phù hợp, đến năm 2021 đưa thí điểm vào thực hiện”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Ngày 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020, trong đó quyết nghị tổng số thu ngân sách T.Ư là 851.768.636 triệu đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng. Tổng số chi ngân sách T.Ư là 1.069.568.636 triệu đồng, trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Trước 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương. Trước ngày 31/12/2019 các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2020.