Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/6, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) với 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Gồm 9 chương, 82 điều, Luật Du lịch (sửa đổi) thông qua quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của Luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.
Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái pháp luật; xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khi chưa đủ điều kiện, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Quốc hội đồng ý với việc quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao.

Đối với việc bảo vệ môi trường du lịch, Luật khẳng định: Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch; UBND các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương; Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình; Khách du lịch, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam để bảo đảm môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Bên cạnh đó, các quy định về nguyên tắc phát triển du lịch; chính sách phát triển du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; kinh doanh du lịch trực tuyến; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Du lịch (sửa đổi).

Luật Du lịch (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.