Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Sức ép ngay trên sân nhà
Thông qua những yêu cầu và cam kết hiệp định EVFTA, các ngành và mọi lĩnh vực nền kinh tế - xã hội sẽ có được điều kiện thuận lợi để thụ hưởng ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế, về cả tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thị trường lao động… Qua đó năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thể chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam khẳng định vị thế trung tâm của khu vực ASEAN trong thu hút đầu tư, cải thiện trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, năng suất lao động. Đồng thời cũng là những cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do dịch Covid-19 gây ra, tạo lợi thế cạnh tranh trong khối ASEAN khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi hơn từ hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định, với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định EVFTA cũng mang lại những thách thức bởi EU là thị trường đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Cụ thể, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như: An toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa. Sức ép cạnh tranh với hàng hóa EU đưa vào Việt Nam tiêu thụ nên DN Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân: Cơ hội mới cho ngành da, giày
Các DN ngành da giày đang rất trông đợi những lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại, vì hiện nay hầu như các DN đang "đói" đơn hàng. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN vừa giải phóng lượng hàng tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thực thi Hiệp định, thời gian trước, các DN trong ngành cũng được tập huấn nhưng các quy định đến nay có nhiều thay đổi. Hy vọng các bộ, ngành tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho các DN để khi bước vào thực tế có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA một cách hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh: Cần có kế hoạch hành động cụ thể
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội nhưng cũng xen lẫn thách thức cho các DN Việt Nam. Các DN nhỏ và vừa là trái tim của đất nước, đây còn là lực lượng lớn cần sự đồng hành của các cấp, ngành. Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với các DN Việt Nam khi mở ra một thị trường rất lớn và khó tính. Do đó các DN mong muốn, các bộ, ngành có kế hoạch hành động cụ thể hiệu quả về thực thi để Hiệp định đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, cần có những giải pháp để DN áp dụng được cơ chế ưu đãi của EVFTA song hành với những chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm. Có như vậy sẽ giúp DN Việt vừa nâng cao được năng lực cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm: Chuẩn bị chu đáo để đón đầu lợi ích
Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho các ngành, trong đó có dệt may. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dệt may Việt Nam đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn. Cụ thể, tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 36% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm, dệt may chỉ xuất khẩu được 12,37 tỷ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kỳ trong đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm.
Chính vì vậy, công tác chuẩn bị của ngành cần rất chu đáo, tỉ mỉ để đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định EVFTA được thông qua và có hiệu lực. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm dệt may Việt Nam đã chinh phục được thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với dệt may trong EVFTA là vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu. Thời gian tới, các bộ, ngành cần có sự kết nối giữa DN “đầu vào” và “đầu ra” để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may.