Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA: Rộng cửa vào sân chơi lớn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/6, tại Kỳ họp thứ 9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Phiên họp có sự tham dự của Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam. Cùng với đó, Quốc hội cũng biểu quyết tán thành phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Thúc đẩy thương mại hai chiều
Nghị quyết quyết nghị: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. Nghị quyết cũng giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở T.Ư và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định. Đồng thời, chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định, hạn chế tối đa các trường hợp tranh chấp với nhà đầu tư mà phía Việt Nam là bị đơn. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, DN, người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định…
 Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐB Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết: Các ĐB Quốc hội cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Lợi ích Hiệp định mang lại là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thủy sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu. Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường. Đồng thời là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam. Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030.
Tương tự, với EVIPA, Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều ý kiến các chuyên gia nhận định, cả hai Hiệp định EVFTA và EVIPA đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế tương đồng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế của người đi trước đó là có từ 7 - 10 năm "vàng" với đặc quyền tiếp cận vào thị trường EU.
Hiện, chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự. Với nền tảng của các thỏa thuận kinh tế mới với EU, cũng mang lại thêm các cơ hội, tạo thuận lợi cho các DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa phát triển thành các công ty toàn cầu.
Thách thức khi ra biển lớn
Trước những cơ hội được mở ra, các ĐB Quốc hội cũng chỉ ra không ít thách thức cần vượt qua. Trong đó, các ĐB kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chi tiết; các bộ, ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, có biện pháp giữ thị phần, thị trường EU trong đại dịch Covid-19, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nền kinh tế số…
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc DN nhỏ và vừa; xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống; nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan, triển khai hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi cho DN và người dân.
ĐB Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận định, Hiệp định EVFTA có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng rất lớn, trong đó có những quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư và thương mại. Tham gia hiệp định, mỗi quốc gia, mỗi DN đều có những thuận lợi cũng như những khó khăn riêng.
Đây là sân chơi chung giữa 28 quốc gia nên Việt Nam cũng cần có sự chuyển động trước những thách thức mới. DN có thể sẽ gặp phải những yêu cầu, điều kiện về rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ hơn, nhiều quy định phức tạp hơn. Trong đó đặc biệt là những đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc. Cơ quan Nhà nước cũng phải hỗ trợ để sớm có văn bản hướng dẫn cho DN triển khai, thực hiện tốt để tham gia EVFTA.
Cũng cho rằng Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã mở ra rất nhiều cơ hội tại thị trường tiềm năng rất lớn là Liên minh châu Âu, theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Việt Nam đã có những bước chuẩn bị trong một thời gian rất dài và về các điều kiện cũng đã sẵn sàng.
EVFTA rất có lợi cho Việt Nam, bởi chúng ta đang là một quốc gia có tốc độ phát triển chậm hơn, cho nên, vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện thể chế để đáp ứng được yêu cầu cho quá trình hội nhập đó. Thực hiện nghiêm việc tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng DN và người lao động để khi gia nhập EVFTA; nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn cơ bản về lao động và các tiêu chuẩn cơ bản về hàng hóa. Đây cũng là thử thách, quá trình để bơi ra biển lớn.

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với 94,82% tổng số ĐB Quốc hội tán thành. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này được nhận định là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.